Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

"Lũ" - Final Draft April 2015

Nguyễn Trung




Tiểu Thuyết

            
                                                        (tiếp theo Dòng đời )

                                                                       *

                                                                     *****
 
                                                             Bản thảo 3 ®


Khai bút tại Hà Nội, ngày 17-04-2008






Ghi chú:

Cuộc sống trong tiểu thuyết chỉ là cuộc sống của tiểu thuyết. Toàn bộ tên các nhân vật, địa danh, sự kiện, sự việc,  thời gian, không gian và mọi thứ khác… trong tiểu thuyết đều thuộc về đời sống trong tiểu thuyết và chỉ có trong tiểu thuyết mà thôi; mọi sự chùng lặp với đời sống thực ngoài đời nếu xẩy ra đều là và chỉ là ngẫu nhiên.

Nguyễn Trung

(Ghi chú: Tiểu thuyết gồm 26 chương, đánh dấu từ 1 – 26; chương 21 bỏ.)









Tổ quốc, xin Người hãy nhận lấy trọn vẹn trái tim con!











                                            Tưởng nhớ hương hồn
                         anh Nguyễn Cơ Thạch và anh Võ Văn Kiệt























    

Tập I



1




N
ăm nay đám giỗ cụ Tuyên ông và cụ Tuyên bà của đại gia đình họ Phạm lần đầu tiên có thêm khách mới là Thạch. Những người trong họ Phạm hôm nay lần đầu tiên mới được gặp ông đều xửng xốt thì thào với nhau:

-                     Ôi, sao trẻ thế! Cứ tưởng là…

Đúng là ông Thạch quá trẻ so với trí tượng tượng lâu nay của họ!..

Trước đây, qua nhiều câu chuyện, mọi người đều thấy đại tá Nghĩa và tướng về hưu Lê Hải dành cho Thạch sự trân trọng và mến phục khác thường. Vì lẽ này, ai cũng đinh ninh Thạch phải đồng vai đồng lứa với các bậc lão thành nhà này.

Thật không ngờ, về tuổi tác rõ ràng ông Thạch phải kém các bậc lão thành nhà này đến mươi, mười lăm tuổi. Song về nói năng, giao tiếp, mọi người đều thấy ông Thạch quả là già trước tuổi. Không đến nỗi ông cụ non, nhưng đĩnh đạc, chín chắn, lúc nào cũng thấy hình như ông cân nhắc từng lời. Hay đây chỉ là sự thận trọng trong bỡ ngỡ ban đầu?..

Hơn nữa, cả nhà đều biết ông Thạch là ân nhân cứu mạng ông Nghĩa thoát khỏi vụ trọng án Thạch Thất, nên dù chưa một lần biết mặt, nhưng đã từ lâu họ dành cho ông mối thiện cảm sâu sắc…

Hồi ấy cả nước ta ngột ngạt, căng thẳng trong không khí vừa chiến tranh, vừa hòa bình. Đất nước vừa mới im tiếng súng được dăm hôm thì ngày mùng 4 tháng 5 năm bẩy nhăm quân Khmer đỏ đã xông ra chiếm đảo Phú Quốc, khoảng một tuần sau đó đánh luôn đảo Thổ Chu, tàn sát hàng trăm dân thường… Cao điểm là các cuộc tấn công của Khmer đỏ từ tháng 4-1977 vào An Giang… Lính Polpot có lúc đã vào sâu đến hàng chục cây số. Man rợ nhất là cuộc tấn công của Khmer đỏ vào Thị trấn Ba Chúc tháng 4-1978, giết hại hơn một nghìn dân, trong đó rất nhiều phụ nữ và trẻ em… Ngày 17 tháng 2 năm 1979 Trung Quốc ra lệnh 9 quân đoàn bộ binh nhất loạt tiến công toàn bộ biên giới phía Bắc nước ta để dạy cho Việt Nam bài học… Đã thế, khắp nơi trong nước hồi ấy chợ búa xác xơ, cái gì cũng tem, cũng phiếu để mua hàng. Nhưng mọi thứ đều vô cùng khan hiếm…Đất nước vốn là vựa gạo của thế giới, nhưng cơm ăn không độn mỳ thị độn bo-bo mà vẫn không được no… Trong khi đó vết thương chiến tranh tê dại cả nước. Cái mất mát, cái nghèo lâu nay như bị chôn chặt đâu đó bây giờ mới xuất hiện nguyên hình, để hoành hành, để nhắc nhủ. Khắp cả nước hương khói, làng làng xóm xóm la liệt các mộ, các nghĩa trang liệt sỹ… Đã thế, lại còn nẩy sinh ra trong xã hội biết bao nhiêu chuyện đau đầu không sao hình dung được của cái thời hậu chiến…

Một trong những chuyện đau đầu thời hậu chiến là mối quan hệ của những người thuộc một số tầng lớp khác nhau trong xã hội đối với chế độ chính trị của đất nước. Lúc đầu lác đác một vài nơi, rồi ồ ạt nhiều nơi, người di tản và người Hoa lũ lượt bỏ nước ra đi, đất nước càng thêm tiêu điều. Trong số họ, không biết bao nhiêu người chót lọt và tới đích, bao nhiêu người làm mồi cho cá trên biển cả hay bỏ mạng vì hải tặc. Bao nhiêu người chết trong các trại tỵ nạn vì ốm đau… Câu chuyện đâu có phải chỉ là các con số thống kê, mỗi thân phận là một sinh mạng, một giọt máu của đất nước… Những người có liên quan xa gần  nào đó với quá khứ đau buồn của chiến tranh bỏ nước ra đi đã đành… Song trong số “thuyền nhân”, “người di tản”, “người tỵ nạn”…  còn có những người đã từng là “con đẻ của chế độ ta”, có nhà cửa họ hàng đông đủ… Số người có cuộc sống đàng hoàng không ít. Có thể nói những người ra đi thuộc đủ mọi thang bậc xã hội, lác đác có nhân vật có tên tuổi, có người đã từng tham gia lãnh đạo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam...

Một nhân vật có hạng thời chính quyền Sài Gòn đôi lần vượt biển không thoát, lại bị công an bắt giải về, bí thư Thành ủy lúc đó là ông Võ Văn Kiệt phải đến tận nơi khuyên can:

-         Ráng chịu vài năm nữa, thấy không sống nổi thì nói tôi bố trí cho anh đi hợp pháp. Vượt biển thế này nguy hiểm lắm…
-         Vài năm nữa mà sống không nổi, thì ông mới là người phải ra đi chứ không phải tôi! – ông Kiệt bị vặc lại.
-        

 Giữa lúc này, những giấy báo tử mới từ chiến trường Campuchia vẫn cứ tìm đường len lỏi đến các gia đình khắp cả nước…

Nỗi đau trong chiến tranh, nỗi đau sau chiến tranh, rồi lại chiến tranh tiếp theo… Chưa biết nỗi đau nào đứt ruột hơn nỗi đau nào…

          Giữa khung cảnh ấy của đất nước, trung tá thương binh Phạm Trung Nghĩa, sỹ quan ban tham mưu đang làm nhiệm vụ tổng kết chiến lược quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, bất ngờ bị bắt giải lên Thạch Thất…

Mọi chuyện đã mấy chục năm nay rồi tính từ khi xảy ra vụ án Thạch Thất… Hôm nay là lần đầu tiên cánh họ Phạm mới mời được ông Thạch đến nhà ăn giỗ… 

Thạch không phải là người xa lạ hay kiêu kỳ gì, nhất là đối với ông Nghĩa. Nhưng chính vụ án Thạch Thất cũng bẻ ghi đường đời ông sang một ngả khác. Lại đúng vào lúc hoạn nạn thi nhau ập tới gia đình ông. Mọi tai ương trên đời hình như bảo nhau đổ dồn lên đầu lên cổ con người sắt đá này. Để trêu ngươi, để thử thách?…

Khi vụ án Thạch Thất khép lại, ông Nghĩa thoát chết. Nhưng ngay tức khắc Thạch hiểu cái giá mình phải trả cho việc bảo vệ chân lý: Ông quyết định xin nghỉ hưu. Tính nhạy cảm của nghiệp vụ tình báo chiến lược mách bảo ông như thế.

Nguyện vọng của Thạch được đáp ứng chóng vánh đến không ngờ. Chính cái quyết định chóng vánh này của tổ chức khiến ông càng quyết tâm rũ bỏ tất cả, lặn tăm khỏi cuộc sống… Vì lẽ này, kể từ lúc chia tay nhau ở trại giam đặc biệt, ông Nghĩa tõi đâu cũng không thấy tăm hơi ông Thạch.

Mọi nỗ lực của ông Nghĩa gần như vô vọng…


Từ cái buổi mình thoát chết ấy… Ôi, đã gần ba chục năm trời rồi!..  Mãi cho đến buổi giỗ hôm nay… - ông Nghĩa lẩm nhẩm trong đầu, ngồi trước mâm cỗ mà tâm trạng lung mung đâu đâu…


Cụ Tuyên ông và cụ Tuyên bà là thân sinh bốn anh em nhà các ông bà Chính – Nghĩa – Lễ - Hoài. Hai cụ mất khác năm nhưng trùng ngày, nên mỗi năm nhà họ Phạm chỉ có một cái giỗ chung cho cả bố và mẹ. Nghĩa là mỗi năm họ Phạm cũng chỉ một lần có dịp hàn huyên trong nhà với nhau và bạn bè thân thiết. Vì thế giỗ thường kéo dài cả ngày. Năm này qua năm khác, cách làm giỗ như thế đã thành cái nếp. Đôi lúc nhà họ Phạm phải xê dịch ngày giỗ vào thứ bảy hoặc chủ nhật để duy trì truyền thống hàn huyên này.

Lần giỗ này, chưa hề có trong thường lệ, ông Phạm Trung Chính - người con cả của họ Phạm, và tướng về hưu Lê Hải – nguyên là thủ trưởng của ông Nghĩa và đồng thời là người bạn chí cốt của đại gia đình họ Phạm, khẩn khoản yêu cầu ông Nghĩa phải bằng mọi cách tìm mời cho được ông Thạch về dự buổi giỗ năm nay…

Vì nhiều lý do, mấy người “chủ mưu” quyết định năm nay phải lôi bằng được ông Thạch về. Sự việc quan trọng đến mức ông Chính dọa em trai mình:

-         Nếu Nghĩa không mời được Thạch về, tôi sẽ không cho chú ăn cỗ!.. Đừng có hòng về đây thắp hương cho cậu mợ!.. 
-        
-        

Bất đắc dĩ nhận lời. Ra đi, ông Nghĩa ngảnh lại nói:

-         Anh và anh Lê Hải đã sai bảo thế, tôi chỉ còn một đường là tuân chỉ!..  Rõ là cấp trên bắt nạt cấp dưới! Phong kiến hết chỗ nói!..

Song trong thâm tâm ông Nghĩa không tin có thể mời được Thạch, nhất là chỉ nói mời về để ăn giỗ! Vì hàng chục năm nay đã năm lần bẩy lượt mời hụt rồi…

-         Đừng ngại khó! Chú nên nhớ là giỗ cậu mợ năm nay mà không mời được Thạch về là thất bại to đấy, các lần trước không tính nên bỏ qua. – ông Chính gần như không đổi giọng.
-         Lần giỗ này có gì đặc biệt ạ?
-         Lệnh là lệnh! Không hỏi!
-         Đúng là quân phiệt!.. – ông Nghĩa lục bục trong mồm…

Thế là xe ô-tô nhà phải đưa ông Nghĩa mấy ngày đường. Lặn lội hết tỉnh nọ đến tỉnh kia. Nhưng đều hụt!

Xe đưa ông Nghĩa đi khắp mấy tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, ngược xuôi loanh quanh mãi đuổi theo những tin này tin nọ thâu lượm được về ông Thạch, rồi vòng lên đến tận Hà Giang... Sau nhiều lần dò hỏi tại chỗ và qua điện thoại, cuối cùng nhờ trời cũng lần ra đầu mối. Tới đây, vào được huyện Đồng Văn, ông Nghĩa phải leo lên xe ôm, vì không có đường ô-tô.  Vào đến Lũng Cú, ông Nghĩa còn phải chống gậy lệch xệch lê cái chân giả đi bộ hơn hai giờ đồng hồ nữa đường núi, nhờ một người địa phương dẫn đường, mãi mới gặp được ông Thạch tại bản Séo Lủng, trong một gia đình đồng bào người dân tộc Hmông.


Rồi hàng giờ thuyết phục Thạch về dự buổi giỗ.

-         Anh mà không nhận lời, tôi ở hẳn lại đây cho mà xem. Biết gan Nghĩa què này to như thế nào rồi chứ!
-         Biết! Biết… Đã quỳ xuống chắp tay lạy ông nội rồi ạ… Hơi một tý lại lôi cái chuyện Thạch Thất năm nào ra mà dọa người ta!..
-        
-        

Ông Nghĩa đã hết cả lý lẽ, nhưng vẫn không sao lay chuyển được Thạch. Cuối cùng ông tự tay trải bạt lên sàn, tìm chăn chiếu, tự thu xếp chỗ nằm cho mình.  Ông tháo chân gỗ ra cho đỡ mỏi, vừa lò cò, vừa chống gậy ra đứng tựa cửa sổ, ngắm nhìn con sông Nho Quế quanh co dưới chân. Bên kia sông lá cờ Trung Quốc lấp loáng như ngọn lửa dữ giữa núi non trùng trùng điệp điệp xanh sẫm… Ông Nghĩa nhìn quanh phía bên này sông chỉ thấy lơ thơ mấy mái nhà sàn tiều tụy… Ông Thạch hồi chiều cho ông biết dân địa phương được phổ biến trên sẽ sớm hiện đại hóa vùng đất cực Bắc này của đất nước…

Một mình, cứ như thế, ông Nghĩa đứng yên như cây gỗ, nhìn trời, nhìn đất mãi… Tâm trạng miên man, nặng chĩu… Ôi, bao giờ cho đến ngày mai!..

Mãi cho đến lúc thấy người mỏi rã, ông Nghĩa quay vào nhà, nằm lăn trên tấm bạt tự tay mình đã trải, không nói không rằng… Ông  quyết định ở lại… Ông Thạch một mình  lạch sạch đun nước, nấu cơm mời bạn.

Vợ chồng và hai con chủ nhà bồng bế nhau đi làm nương xa, ở lại lán, đã mấy hôm nay không về nhà.

Đêm trên rừng ập xuống rất nhanh, trong ngôi nhà sàn lụp xụp đêm nay chỉ có Thạch và Nghĩa, hai người đàn ông, đều từng là lính cụ Hồ… Họ chẳng hề quen biết nhau, cả hai chiến đấu trên hai mặt trận hoàn toàn khác nhau… Mãi cho đến khi sỹ quan Ban tham mưu Z4 Nguyễn Thạch được giao nhiệm vụ trực tiếp phá vụ án gián điệp, được đặt tên là vụ án Thạch Thất. Nghi can đầu mối vụ án này là trung tá thương binh Phạm Trung Nghĩa. Cũng do vụ án này, cả hai gắn bó sống chết với nhau, tuy rằng ngay sau khi hồ sơ vụ án được niêm phong để đưa vào lưu trữ, mỗi người đi một phương trời…  Cho đến tận hôm nay…

Suốt những năm tháng bẵng đi như thế, ông Thạch lang thang nay đây mai đó, khắp các tỉnh từ đồng bằng lên đến miền núi phía Bắc. Khoảng dăm năm nay, ông Thạch lặn lội trong các huyện của Hà Giang, làm công việc tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, vận động bỏ nghiện hút ma tuý, phòng chống HIV-AIDS… Tất cả do Hội Chữ thập đỏ giao. Cách đây ngót nghét ba chục năm, khi còn giữ trọng trách trong công tác phản gián, Thạch là người đã từng nắm trong tay mười mươi cái thực quyền muốn cho ông Nghĩa sống thì được sống, hay muốn bắt ông Nghĩa chết thì phải chết, chứ đâu có phải người xa lạ... Vụ án Thạch Thất hồi ấy giằng co quyết liệt giữa một bên là Thạch - người quyết tìm ra tội, một bên là Nghĩa - người phải chứng minh là mình vô tội… Tội phản quốc chứ không phải chuyện tầm phào…

Hôm nay trong bữa giỗ, câu chuyện vụ án Thạch Thất năm xưa ngang bướng trỗi dậy nóng ran trong đầu ông Nghĩa.

Phải, gần ba chục năm rồi, thế mà bây giờ mọi chuyện lại cuồn cuộn lên trong đầu, cứ như thể mới xảy ra hôm qua... Ngồi ăn cỗ, mà ông Nghĩa thấy bồn chồn trong lòng. Có lúc ớn lạnh xương sống, rùng mình hai ba cái liền… Lúc như lửa đốt khắp người.

-         …Ôi, nếu hồi ấy Thạch chỉ mềm yếu một chút!

Hai tai ông Nghĩa giựt giựt liên hồi, nhói hai bên thái dương, hết trắng bạch, rồi lại đỏ ửng… Ông lấy cả hai tay liên hồi vuốt mạnh đầu ra phía sau, cố lấy lại trấn tĩnh.

Thỉnh thoảng ông Nghĩa phải bước sang phòng bên, nhìn vào gương thấy mặt mình lúc trắng bệch, lúc đỏ rần rần, cứ như là người đang say mèm…

…Hôm ấy, xịch một cái, một chiếc xe u-oat phanh gấp trước cửa cơ quan ông Nghĩa, vừa đúng lúc ông Nghĩa lệch xệch dắt cái xe đạp Thống Nhất của mình bước lên hè để vào cổng cơ quan: Ông đột nhiên bị bắt đưa về trại biệt giam ở Thạch Thất – chỉ bằng một cái lệnh miệng, kèm theo là một tờ giấy có tiêu đề Bộ Quốc phòng, có chữ ký và đóng dấu đỏ. Tờ giấy ghi vỏn vẹn mấy chữ viết tay cẩu thả: Yêu cầu người nhận lệnh tuân thủ nghiêm ngặt quân lệnh này...[1] Buổi liên hoan gia đình bà Nguyệt hôm ấy chuẩn bị mừng sinh nhật ông Nghĩa năm mươi tuổi bị bỏ dở.

…Vốn là người có bản lĩnh, ông Nghĩa hằng mong mọi chuyện dĩ vãng sẽ đi vào dĩ vãng. Nhưng từ khi thoát chết khỏi vụ án Thạch Thất, kẻ đồng hành như hình với bóng của ông Nghĩa là cái chân gỗ lại không chịu như vậy. Nó là người thay thế không thể thiếu được cho cái chân trái của ông đã bị mảnh đạn đại bác xé nát ở mặt trận Quảng Trị (1972). Nó luôn luôn bắt nạt ông, thường buộc ông phải nhớ lại tất cả những gì ông muốn quên, nhai nghiến thân xác ông, nhất là những khi ông khi ông muốn bỏ rơi nó... Bực quá, từ lâu ông Nghĩa đã gán cho nó cái tên xấu xa nhất ông có thể nghĩ ra được:  Đồ ngoan cố nhất trần đời!

Nhưng trước sau cái chân gỗ vẫn trơ tráo, nhâng nhâng nháo nháo với ông. Hỗn láo không ai bằng!..

…O bế, chịu thương chịu khó với cái chân gỗ đến nay là ba bốn chục năm rồi – nghĩa là gần nửa cuộc đời của ông chứ ít ỏi gì, thế nhưng nó không biết khoan nhượng. Ông nâng niu chăm sóc nó gớm lắm, ẩu một tý là nó cà khịa với ông ngay. Không hiếm lúc nó làm ông nhăn mặt, tê dại cả bên đùi, có khi tím tái cả người. Nó đã được phục chế, chế tạo mới, rồi  phục chế, rồi lại được chế tạo mới.., lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng cái tính bất trị của nó không hề suy suyển. Đã nhiều lần ông Nghĩa quẳng nó vào một xó, giơ cả hai cái nạng đập mạnh vào nó, dọa “ly dị”. Nhưng nó vẫn trơ ra... Đã có những lần vài ngày liền ông đi chỗ này chỗ nọ với cái ống quần bên trái mặc sức lủng lẳng, để cho cái chân gỗ thấy quyết tâm chia tay của mình… Song người thua cuộc trước sau vẫn là ông Nghĩa. Ông không thể bỏ được nó... Những gì ông đã trải qua cứ như là đóng dấu, đóng triện trong tâm khảm ông rồi…

Tuy thế, nhiều lúc trong lòng ông vẫn phải thầm cảm ơn cái chân gỗ, vì nó đã giúp ông dễ thông cảm với những khó khăn của biết bao người, luôn luôn giữ cho ông có cái nhìn bao dung với mọi người, nhưng không bao giờ thỏa hiệp với đời... 

Hôm nay nhân chuyện Thạch có mặt trong bữa tiệc giỗ, cái chân gỗ - kẻ ngoan cố nhất trần đời - hình như lên mặt vênh vang hơn mọi khi. Đến nỗi ngồi ăn cỗ với cả nhà và khách quý, mà chốc chốc ông Nghĩa lại phải dành thời giờ cúi xuống dưới gầm bàn tiếp chuyện riêng nó. Lúc thì ông phải nới bớt cái dây đai da siết vào khớp gối – cái dây đai này vừa mới thay, nên cọ tấy đỏ da thịt lên, nới lỏng hết cỡ mà chỗ nối đầu gối vẫn đau rát… Có lúc ông Nghĩa phải nghe cái chân gỗ nói hoài nói mãi những chuyện ông muốn quên... Miên man câu chuyện Thạch Thất, bỗng nhiên cái chân gỗ đổi chiều nói với ông rất nhiều về cái chết của đại úy Nam – con giai ông Chính.

Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia năm xửa năm xưa…

Ngồi ăn cỗ với cả nhà mà đôi lúc ông Nghĩa hẫng người rơi vào đâu đâu, không biết mình đang ăn hay đang làm gì... Những giờ phút ông động viên Nam và tiễn cháu mình ra trận sống lại trong ký ức… Nam là con giai ông Chính và cũng là cháu đích tôn của họ Phạm. Trước ngày Nam lên đường, hai chú cháu bộc bạch với nhau những điều sâu kín nhất về lẽ làm người... Rồi tiếp đó đến cái tin sét đánh: Huệ bị hải tặc hãm hiếp chết trên biển... Huệ là con gái đại tá quân đội Sài Gòn Phạm Trung Lễ, gọi ông Nghĩa là bác ruột. Ít lâu sau, là cái ngày mang đến  tin sét đánh lần nữa: Nam hy sinh tại chiến trường Siêmriệp.., vào lúc ông Nghĩa vừa mới chân ướt chân ráo được tha khỏi trại biệt giam Thạch Thất…

-         Nam ơi.., nếu hồi đó ta đừng lên giây cót cho cháu như vậy!.. Chỉ tại ta trung thành quá cháu ơi...
-         Ông sai rồi! – cái chân gỗ cãi lại.  – Là bộ đội như ông, lúc ấy ai cũng phải có lập trường như thế!
-         Nhưng từ bao năm nay ta đã nghĩ lại...
-         Đúng, bây giờ có rất nhiều chuyện phải nghĩ lại... Chẳng có gì là chân lý bất dịch, chẳng có gì là kiêng cấm... – cái chân gỗ nhâng nháo.
-         Nhưng không thể tưởng tượng được tình hình bây giờ đến mức này...
-         Hối tiếc lắm hả?
-         Phải. Vì ta bị phản bội! Dân tộc này bị phản bội!
-         Gần xuống lỗ rồi mà không biết thế nào là quy luật muôn đời hả?..
-        
-        

-         Bác Nghĩa ơi, ngày nào ba Lễ cháu được ra khỏi trại cải tạo hả bác? ...Má Thảo cháu bảo: Người ta nói tù cải tạo cấp tá quân đội ngụy Sài Gòn không có thời hạn... – giọng nói của Huệ mấy chục năm xưa, hôm nay vẫn còn như đang cứa nát tim gan ông… Có lúc ông Nghĩa mường tượng Huệ đang chới với giữa biển cả, nhưng vẫn cố nhoi lên mặt biển để hỏi ông câu hỏi xé gan xé ruột này.

Ông phải nhắm nghiền hai mắt trong giây lát, cố xóa đi những gì mình  đang mường tượng ra…

…Anh Nghĩa ơi, sao đất nước mình, dân tộc mình, gia đình mình phải chịu nhiều đau thương đến nhường này hả anh Nghĩa?!.. Cái giá phải trả cho độc lập thống nhất đất nước đắt quá… chúng ta chưa lường được hết đâu… Mà đã được yên thân đâu!.. -  những tiếng nói của Lễ từ nửa bên kia trái đất qua điện thoại hôm cụ Tuyên bà mất… giờ đây lại vang lên trong đầu ông Nghĩa, bóp trái tim ông đến tức thở…

Ông Nghĩa xoay người với với cốc rượu trên bàn. Lần này ông uống một ngụm lớn, cố nuốt trôi mấy chục năm đã qua...

Ông đưa mắt nhìn mọi người trên bàn tiệc giỗ…

Như bị một điều gì đó tự nhiên sai khiến, mắt ông dừng lại rất lâu nhìn Yến, đứa cháu dâu của mình... Lúc Nam ra trận, ông là người giúp cháu dâu mình nhập ngũ, với hy vọng để làm vợi đi nỗi niềm xa cách của cặp vợ chồng trẻ này… Khi ấy họ mới cưới nhau được mấy ngày... Khổ thân các cháu tôi quá trời đất ơi! Ai đã cướp đi hạnh phúc của các cháu tôi!.. – ngồi giữa tiệc giỗ mà ông Nghĩa vẫn khẽ rít rít qua hai hàm răng những điều chua sót...

Bao nhiêu năm nay, trong lòng ông canh cánh lúc gần lúc xa một thoáng nghĩ ...Ta có lỗi?.. Mẹ con cháu Yến côi cút thế này là lỗi tại ta?.. Vì ta hồi ấy lập trường quá!.. Ôi nếu ta biết hôm nay như thế này… Sao trời đất oan nghiệt làm vậy!.. Ta đã mang hết những gì ta tin tưởng, ta tôn thờ ra động viên Nam ra trận… Ngờ đâu làm như thế là chính ta đã xui Nam vào chỗ chết!.. Ôi đau lòng quá! Nhìn lại, hôm nay phải nói thật ra như thế!..

-   Có đáng không?..  Nếu nhìn vào cảnh ngộ đất nước hôm nay, cái chết của cháu ta có đáng không?! Cái chết của bao nhiêu người khác nữa… …Sao ta lại nhẫn tâm đẩy cháu ta vào chỗ chết như vậy hả trời!?..

Đã mấy chục năm nay, cái ý nghĩ thoáng gần thoáng xa ấy chưa lúc nào buông tha ông… Một sự ăn năn khó tả... Trong khung cảnh sum họp gia đình ngày giỗ hôm nay, sự có mặt của Thạch phũ phàng ném ông Nghĩa trở về dĩ vãng, gần ba chục năm về trước…

Ôi nếu ta biết được đất nước hôm nay có bao nhiêu điều ngang trái thế này!..

Trong khi đó Yến đang vui vẻ nói chuyện với mọi người chung quanh. Mấy ngụm rượu vang làm mặt Yến hồng lên.

-         ...Ôi Nam ơi...! – ông Nghĩa thấy ngực mình bỗng nhiên đau  nhói phía bên trái, xuýt nữa ông thốt lên thành lời. Ông cúi mặt xuống gầm bàn, trong lòng thì thầm với cái chân gỗ: …Tao van mày, tao lạy màyIm đi một lúc cho tao nhờ!
-         Im sao được! Day dứt lắm phải không, ông bạn già?.. Đời là thế mà…  Ha ha ha…

Ông Nghĩa cảm thấy tai mình nhói lên tiếng cười lanh lảnh từ cái chân gỗ. Ông bất giác nhăn mặt lại.

...Phải, mọi chuyện lại đột nhiên nổi sóng... Có lẽ tại hôm nay lần đầu tiên Thạch nhận lời mời đến ăn giỗ nhà ta, sau mấy chục năm... – ông Nghĩa tự lý giải với mình như vậy, cố tìm cách bình tĩnh trở lại...

          Năm nay cũng thế, “tiệc” giỗ xong, người giúp việc từ phòng bên sang ghé vào tai ông Chính nói câu gì đó, ông Chính  đứng dạy mời khách, các bố mẹ và các con họ Phạm sang phòng giữa, bắt đầu cuộc tao đàm hội ngộ đã thành lệ vào dịp này hằng năm. Đám các cháu – thế hệ thứ ba của họ Phạm - tụ tập với nhau thành các nhóm riêng ở các phòng bên theo sở thích của chúng…

          Từ lúc đặt chân vào nhà ông Chính, hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác thi nhau làm Thạch bối rối. Sự bàng hoàng, cùng với trạng thái bị choáng ngợp về cái phòng khách rộng rãi và bài trí tao nhã, rồi đến những gương mặt hôm nay mới thấy lần đầu.., tất cả khiến Thạch như đang lò dò từng bước đi trên mặt nước, giữa lúc mọi người chuyện trò với nhau rôm rả. Những bỡ ngỡ như thế, hết về chuyện này đến chuyện khác, nhiều lúc khiến Thạch phải thốt lên trong lòng: …Ta quá xa lạ với nhà họ Phạm này mất rồi… Cuộc sống thay đổi hàng ngày ngay trước mắt ta… Thạch vừa nghĩ như vậy, vừa liên hệ với những gì trí nhớ mình còn lưu lại về toàn bộ lý lịch các thành viên của đại gia đinh họ Phạm khi thụ lý vụ án Thạch Thất…

Ngày Tết có khi còn thiếu người này người khác vì lý do nào đấy, nhưng cho đến nay, vào ngày giỗ này nửa gia đình lớn con cháu Phạm sống ở trong nước, dù là đang làm gì trong Nam ngoài Bắc, vẫn giữ được cái nếp có mặt đông đủ. Nửa gia đình lớn còn lại của họ Phạm sống ở Mỹ, đi lại diệu vợi nên thường cách năm họ mới về nước dự chung giỗ bố mẹ một lần. Họ mới về năm ngoái nên năm nay không về. Nửa ở Mỹ bao gồm gia đình Phạm Trung Lễ - người em thứ ba trong gia đình, nguyên đại tá quân đội Sài Gòn, và gia đình  Phạm Thị Hoài, người em thứ tư và cũng là út của họ Phạm, tất cả đang sống ở San Jose.

Riêng phái các bà, gồm bà Chính, bà Nghĩa và bà Hậu - vợ tướng về hưu Lê Hải, đã tụ tập cùng nhau cả tuần nay tại nhà bà Chính để chuẩn bị, nấu nướng,  xắp đặt các thứ cho “tiệc” giỗ hôm nay. Mặc dù nhà ông Chính có ba người giúp việc, nhưng các bà vẫn muốn tự tay mình làm tất cả, tỉa tót tôm cong bóc vỏ từng ly từng tý...  Các bà muốn dồn hết thương yêu của mình cho những người mình yêu quý nhất.

          Giống như thường lệ, dẫn dắt câu chuyện trong các buổi hội ngộ sau “tiệc” giỗ hôm nay là đại tá thương binh về hưu Phạm Trung Nghĩa và tướng về hưu Lê Hải. Hai ông này hễ gặp nhau là chẳng bao giờ hết chuyện.    

          Vài tuần vừa rồi ông Nghĩa vừa nằm viện về để thay chân giả, đồng thời phải củng cố đôi ba chuyện liên quan đến tim mạch, tiền liệt tuyến, đau khớp... Lẽ tự nhiên, sau khi tạm quên những rắc rối với cái chân gỗ dưới gầm bàn, bỗng dưng cơm bệnh viện hôm nào làm cho ông có ấn tượng sâu sắc, song quan trọng nhất là ông Nghĩa muốn tôn vinh các bà:

-         Các anh các chị ạ, ai muốn biết được cỗ nhà ta hôm nay ngon thế nào thì phải vào nếm cơm bệnh viện vài tuần như tôi mới đã. Ăn hôm nay cứ như là cả đời chưa được biết cỗ là gì!
-         Trời đất, con người anh Nghĩa đã bắt đầu hỏng vào hệ thống rồi mà vẫn còn thích ăn ngon vậy sao? – tướng về hưu Lê Hải lúc nào cũng sẵn một câu châm chọc.
-         Chỉ giỏi xoi mói! Cái hệ thống to hỏng thì không lo! Ai khiến anh lo cái hệ thống của tôi? – ông Nghĩa trả miếng.
-         Đương nhiên hệ thống của ai người nấy lo rồi!

Cả nhà đều cười về câu nói bông của tướng Lê Hải.

-         Các chị ơi, anh Nghĩa khen chúng mình bằng cách so cỗ chúng ta nấu với cơm bệnh viện thì còn ra cái thể thống gì nữa! – bà Hậu, vợ tướng Lê Hải,  đế thêm vào câu nói của chồng mình.

Cả nhà cười ầm lên, còn ông Nghĩa khua cả hai tay lên trời:

-         Tôi nói thật thà... Hai cái nhà ông bà già mắc dịch này đừng có ngay mà bẻ ra queo! Ai không tin cứ vào nằm thử bệnh viện vài ngày mà chiêm nghiệm!
-         Anh Nghĩa bây giờ lại còn muốn cả nhà vào bệnh viện nữa có phải không? Thật quá đáng! – bà Nghĩa cố giữ bộ mặt tỉnh bơ, giáng thêm cho chồng mình một đòn nữa. Điệu bộ lên mặt của bà làm cho cả nhà đều cười.
-         Cả cái nhà này đang xúm lại bắt nạt thương binh! Thế là hỏng rồi! Hỏng bét rồi!.. – ông Nghĩa kêu ầm lên, trong lòng cảm thấy bí thật sự.
-         Sao không nói hỏng cả hệ thống hả Nghĩa? – ông Chính trêu em mình.
-         Chị Chính ơi, mợ[2] mà còn sống mợ sẽ cho món nem cua và món bún thang của các chị hôm nay điểm mười! Lại tìm được cà cuống tươi cho cái món bún thang mới tuyệt chứ!.. – ông Nghĩa không trả lời ông Chính, vì sợ rơi vào bẫy của anh mình.
-         Chú Nghĩa còn chưa nói là mắm tôm cho bún thang hôm nay bảo đảm không có H5N1! – bà Chính đế thêm vào, cố tình ghép H5N1 vào chuyện mắm tôm[3].
-         Thôi, cả nhà tha cho thương binh đi. – ông Chính can mọi người rồi quay ra hỏi lại vợ mình: ... - Nhưng mắm tôm thì làm sao mà có H5N1 hả bà?
-         Thế thì mắm tôm cũng không thể có khuẩn tả! Nồng độ muối cao như thế khuẩn nào sống được! – bà Chính cười.

Ông Chính lúc này mới hiểu ra, cũng cười theo vợ mình, rồi nói tiếp với cà nhà:

-         Dù đã hỏng vào đến hệ thống rồi mà Nghĩa vẫn còn thích ăn ngon thì cũng đáng mừng... Ở tuổi chúng ta ăn được ngủ được là tiên mà.
-         Tôi cứ lo kỳ này chú Nghĩa phải nằm viện lâu đấy, thế mà vẫn lặn lội nắng mưa mời được anh Thạch về đây. Quá giỏi! Hoan hô chú!.. – bà Hương vợ ông Chính khen.

Nghe nhắc đến tên mình, ông Thạch đang lơ lửng đâu đâu bỗng giật mình:

-         Chết, tôi sơ ý quá...  Tôi chưa kịp hỏi thăm sức khỏe anh Nghĩa thế nào mà đi viện ạ? Tuyệt nhiên không thấy anh Nghĩa kể gì ạ.
-         Có gì đâu anh Thạch… – ông Nghĩa nói ngay: ...Khám bệnh định kỳ ấy mà. Nhưng bắt đầu trục trặc nhiều thứ rồi... Vả lại vừa qua đến kỳ thay chân mới…
-         Anh Chính và anh Lê Hải chê anh Nghĩa đã bắt đầu hỏng vào hệ thống  là không oan đâu anh Thạch ạ. – bà Nguyệt vợ ông Nghĩa giải thích thêm.
-         Nhưng thương binh U80 như tôi thế này là lãi to rồi, có phải không?.. Làm sao mà bì được với anh Chính và anh Lê Hải! Các anh cứ thử làm thương binh như tôi xem!..
-         Tính gan lỳ anh Nghĩa thì tôi biết rồi ạ. Tôi kém anh Nghĩa hơn chục tuổi mà cũng chịu thua ạ. – Thạch bất đắc dĩ cộc lốc mấy tiếng đáp lấy lệ rồi lại ngồi im, đầu óc cứ như bị những người chung quanh mình thôi miên.  Đến đây Thạch nhớ lại những cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng khi thẩm vấn ông Nghĩa ở trại biệt giam Thạch Thất năm nào... Rồi đến cái bước ngoặt không biết trước trong đời mình. ...Trời đất, đã gần ba chục năm mình nhận quyết định nghỉ hưu, rời “chính trường”...       

Thạch rơi tõm vào quá khứ xa xôi, nỗi băn khoăn chưa hiểu lý do đích thực hôm nay mình được mời về ăn cỗ là gì lớn thêm... Sự im lặng của Thạch khiến chuyện vui râm ran trong nhà bỗng dưng tụt hẫng. 

Lúc này đám người giúp việc lục tục bưng bê lên ấm trà ướp sen mới pha, cùng với xôi vò và chè hoa cau tráng miệng. Chờ cho đám người giúp việc xắp xếp xong mọi thứ lên bàn và đi khỏi, ông Chính mới đứng dạy nhìn khắp gian phòng một lượt. Thấy mọi việc chu đáo, ông liền rời khỏi chỗ ngồi, tự tay cẩn thận khép cửa ra vào lại rồi trở về chỗ của mình.

Nhìn cử chỉ cẩn thận của ông Chính, Thạch đoán sẽ có việc gì hệ trọng lắm đây mà mình chưa biết. ...Có lẽ vì thế mà anh Nghĩa quyết tóm cổ mình về đây bằng được?..

Yến, con dâu trưởng họ Phạm, tự tay rót nước cho từng người khắp bàn, vị hương chè ướp sen thơm ngát.

-         Cháu nghe thím Nghĩa kể đi viện lần này chú Nghĩa gặp toàn những người từ cõi chết trở về, có đúng thế không ạ? – Yến dừng lại nơi ông Nghĩa.
-         Toàn các bệnh nhân thập tử nhất sinh hả anh Nghĩa? – tướng Lê Hải cũng ngạc nhiên hỏi với theo.
-         Làm gì có, cả phòng có ba bệnh nhân, mỗi mình tôi là U80, hai bậc lão tướng còn lại thì một là tám tư (84), một là tám nhăm (85), nhưng cả ba chúng tôi đều khỏe như voi!
-         Ôi, các lão tướng của anh Nghĩa còn kém tuổi ông tướng về hưu của em!  – bà Hậu kêu lên, cả nhà đều buồn cười.
-         Anh Hải của chị thì nhất rồi! – ông Nghĩa được dịp trả miếng. - …Cả hai lão tướng của tôi không có được cái giọng nói sang sảng như anh Lê Hải của chị Hậu đâu. Hai lão tướng này móm, thều thào rồi, nhưng trí nhớ thì tuyệt vời... Đúng là tất cả từ cõi chết trở về thật cháu Yến ạ... - ông Nghĩa trở lại cái giọng nhỏ nhẹ vốn có của mình.
-         Đau ốm thế nào mà lại nói từ cõi chết trở về? – vẫn ông Lê Hải.

Ai nấy đã ngồi vào chỗ của mình, mọi con mắt dồn về ông Nghĩa, chờ đợi:

-         Xin thưa với cả nhà, chuyện đã xưa hơn nửa thế kỷ rồi, thế mà cứ nóng bỏng như mới xảy ra hôm qua có sợ không chứ!.. - ông Nghĩa chậm rãi – ...Đầu đuôi là thế này ạ... Số phận dun dủi thế nào không biết, phòng bệnh tôi nằm có ba người, thì cả ba đều trời đánh không chết thật... Tôi nằm giữa, đã từng ăn đại bác mà vẫn còn ngồi đây, điều này cả nhà biết rồi.
-         Anh Nghĩa đại ngôn quá. Anh mới chỉ bị mảnh đại bác xẻo chân thôi, làm gì có chuyện ăn được đại bác!.. – bà Nguyệt uốn nắn chồng. Cả nhà cười ồ. 

Ông Nghĩa dừng một lát, cười nhìn vợ rồi lại giơ tay làm hiệu nói tiếp:

-         Nguyệt cũng phải cho anh huyên thuyên một tý mới vui chứ! – ông Nghĩa chống chế, rồi quay ra mọi người nói tiếp:  - … Giường bên phải tôi là tử tù cải cách ruộng đất Đào Duy Khoát...  Lão tướng này nguyên là bí thư huyện ủy vùng địch hậu Yên Lạc – Vĩnh Yên cũ. …Hồi đó Pháp càn đi càn lại, cơ sở vỡ, cán bộ hy sinh gần hết, ông Khoát có khi phải kiêm một lúc ba bốn chức, kể cả chức đại đội trưởng lực lượng võ trang địa phương, đánh giặc tơi bời... Thế nhưng loanh quanh thế nào trong cải cách ruộng đất ông bị các anh chị đội[4] tố là phần tử địch nguy hiểm, chui vào thâu tóm các vị trí then chốt của huyện. Ông Khoát chẳng những bị kết án tử hình, mà còn bị coi là loại tử tù đặc biệt nguy hiểm, nhờ thế mà thoát chết!
-         Sao? Đặc biệt nguy hiểm mà lại thoát chết là thế nào? – Ông Chính ngạc nhiên.
-         Vâng. Đúng thế anh Chính ạ. Người ta đã đục hai lỗ vào chân tường trụ sở Ủy ban xã, ông Khái phải tra hai chân vào, phía bên kia tường người ta đẽo gỗ gông hai chân ông lại để chờ ngày đấu tố xong sẽ đưa đi xử bắn. Thế nhưng ban chỉ huy Cụm cải cách ruộng đất[5] thấy giam như thế vẫn chưa yên tâm, nên quyết định chuyển ông Khoát lên trại biệt giam của Huyện. Đường đi bộ lên huyện không đầy một ngày đường, nhưng đoàn giải tù đi mất gần hai ngày. Vì mấy anh chị đội và cốt cán giải tù được dịp đi chơi chợ, có công tác phí đàng hoàng. Chậm trễ như thế, nên lúc có lệnh giải ông Khoát về lại xã để mang ra bắn lỡ mất ba ngày! Đúng lúc này đột nhiên từ Trung ương có cái lệnh hoãn tất cả các vụ xử tử trong cải cách ruộng đất. Thế là ông Khoát thoát chết!

Mọi người trong phòng như cùng rú lên, rồi thở phào.

-         Trời đất ơi, nghe mà lạnh cả người... – bà Hậu kêu lên thành tiếng, nước mắt tự nó giàn giụa. Bà nhớ lại bố mình, nguyên bí thư chi bộ và xã đội trưởng, đã bị xử tử trong cải cách ruộng đất ở Vĩnh Bảo. Ông Lê Hải phải xô ghế nhảy bổ lại chỗ bà ngồi, ôm chặt lấy vợ, rồi lấy khăn lau lau nước mắt cho bà.

 Ông Nghĩa chờ một lúc rồi nói tiếp:

-         Tôi xin lỗi làm chị Hậu xúc động, nhưng chuyện đã xảy ra như thế… Nằm bên trái tôi là tử tù Lê Phương, bị kết án trong chỉnh đốn tổ chức nhân dịp tiến hành cải cách ruộng đất ở Thanh Hóa. Tên thật ông ta là Tôn Thất Nam, học cao, nguyên là con một tổng đốc. Lão tướng Lê Phương là cán bộ Đảng làm công tác thanh vận. Tôi tặng cho ông ta danh hiệu hoàng thân Lê Phương, vì vào Đảng từ năm bốn tư (1944), trở thành đảng viên cộng sản nhà nòi rồi mà vẫn còn đàng điệu lắm. Từ cách đi đứng, đến ăn nói đều thong dong rất là hoàng thân… Đôi lúc có thói quen nói xen một hai câu tiếng Pháp... Ông ta bị tố là gián điệp chui vào lũng đoạn tổ chức của ta. Vụ án có nhiều dây dợ quá phức tạp, nên chưa thể hành quyết ngay được. Thế là cũng thoát chết nhờ cái lệnh khẩn cấp nói trên.
-         Nghe chú Nghĩa kể như thế, cháu càng tin là người ta chết có số... – Yến gần như bâng quơ nói một mình, trạnh lòng liên tưởng đến cái chết của chồng mình trên chiến trường Siêmriệp năm nào… … Hồi ấy, hai người tranh thủ dịp nghỉ Tết làm lễ cưới, được vài ngày thì Nam phải trở lại chiến trường... Và từ hôm đó Nam không bao giờ trở về nữa... Không biết bao nhiêu lần bà Chính đã khuyên con dâu mình đi bước nữa... Thế nhưng...  Thế nhưng bây giờ Phạm Trung Trung Nam, con của vợ chồng Nam - Yến, cháu đích tôn của ông bà Chính – đã học xong thạc sỹ được hai năm rồi... Trung Nam chưa bao giờ được biết mặt bố…
-         Xin thưa tiếp với cả nhà… Đến cái đoạn ông Khoát kể về họp bàn sửa sai, cả phòng tôi chuyện râm ran đến nửa đêm. May mà y tá trực đêm không để ý tới... – ông Nghĩa kể tiếp. - ...Ba chúng tôi cứ lật đi lật lại mãi câu hỏi vì sao lại đến nông nỗi ấy... Đề ra không biết bao nhiêu giả thiết, nhưng vẫn chưa thấy được lý lẽ nào hoàn toàn thuyết phục.
-         Anh Nghĩa ạ, đến hôm nay mà vẫn chưa sáng tỏ hay sao? – lại bà Hậu. Bà vẫn chưa hết xúc động.
-         Quả thực chưa rõ, chị Hậu ạ. Đành rằng hồi đó có sức ép của cố vấn Trung Quốc, của tình thế… Nhưng  còn cái sai, cái dốt, cái dở của ta nó đến đâu nữa chứ!.. Chẳng lẽ người ta ép gì, xúi gì, mình cũng chịu, cũng theo sao?!.. Chuyện sai thì đã rõ, không còn phải bàn cãi nữa. Nhưng đến nay vẫn chưa có một xác nhận chính thức nào về nguyên nhân các lỗi lầm trong cải cách ruộng đất. – ông Nghĩa thừa nhận.
-         Đúng. Không thể đổ hết mọi chuyện cho Tầu được. – tướng Lê Hải chêm vào.
-        

Ông Nghĩa thuật lại rất sinh động buổi tranh luận đêm ấy, mọi người cứ ngỡ là đang nghe ba ông già sôi nổi bắt bẻ lẫn nhau.

-         Xin hỏi anh Nghĩa, hai lão tướng tâm trạng như thế nào khi đối mặt với cái chết ạ? – Thạch lúc này mới nói.
-         Chính tôi đã hỏi đi hỏi lại câu này và kể cho hai lão tướng nghe tâm trạng tôi trong những ngày ở cái biệt thự Thạch Thất của cái anh chàng này đấy, cả nhà ạ! – tay ông Nghĩa chỉ vào ông Thạch.
-         Hai cụ ấy nói sao, chú? – bà Chính giục.
-         Ông già Khoát lúc ấy thì chỉ mong được đem đi bắn càng sớm càng tốt thôi ạ, vì bị nhục hình khổ quá. Bố ông Khoát đã tự vẫn bằng cách treo cổ khi bị quy lên địa chủ, gia đình ông tan tác... Ông Khoát kể lúc chưa bị bắt giam, đói quá có khi đi hái trộm mấy cọng rau khoai lang của nhà mình trồng cũng phải len lén giấu trong vạt áo... Liên miên bị đấu tố thâu đêm, đói, khát, thân thể tê dại... Hết đấu tố ông lại bị quăng ra nằm còng queo trên sàn đất, chân tra vào cùm trong tường, chốc chốc người đi qua nếu không đá vài cái thì lại dội một hay hai gáo nước lên đầu, mà trời thì rét căm căm... Có lúc ông già Khoát nhổm hẳn dậy, vạch màn thò hẳn đầu ra ngoài, giữa nửa đêm mà cứ oang oang xen lẫn thều thào nói với hai chúng tôi: “Thế mà tớ hông bị hưng pổi mới lạ! Chỉ cái chuyện này đủ chứng tỏ tớ là u ích gang hép ùng tịch ậu...”  - ông Nghĩa cố bắt chước giọng ông Khoát. (Thế mà tớ không bị sưng phổi mới lạ. Chỉ cái chuyện này đủ chứng tỏ tớ là du kích gang thép vùng địch hậu!)

Cả nhà đều cười và thán phục ông già Khoát.

-          ...Đến tận hôm nay, thưa với cả nhà, nghĩa là sau hơn một nửa thế kỷ, thế mà ông già Khoát vẫn không sao hiểu nổi  mình lấy đâu ra sức để có thể sống sót sau những trận nhục hình ngày này sang ngày khác như thế! Cả về thể xác lẫn tinh thần...  – ông Nghĩa nói tiếp. - …Nhiều lúc ông già Khoát biết mình đang bị chửi rủa, đang bị ép cung... Ông kể lại:  Tai ông ù lên, mồm ông cứng ngắc vì đau, cứ như bị đóng hàm thiếc, không nói được và cũng không thiết nói gì nữa, trong lòng chỉ mong chóng được chết, vì ông cho rằng nói gì với bọn ngu này cũng vô ích...húng đánh mỏi tay rồi hôi!.. Trong khi đó ngài hoàng thân của chúng ta luôn luôn tìm cách cãi đến cùng cả nhà ạ! …Bị cốt cán tát gẫy răng vẫn cãi! …Hoàng thân kể lại có lúc vì quá ức, quá bí lời, xổ ra hàng tràng tiếng Tây, các anh chị đội và cốt cán đứa ngây ra nhìn, đứa nhe răng cười... Nhưng ngay sau đó là đấm, đá, chửi thề... cho đến khi ông ta gục nhẽo xuống... Rồi ông lại bị ném vào xà lim như một cái bị cát... Đến đợt đấu sau, hoàng thân lại cãi...
-         Đúng là gan Việt Cộng!..  – tướng Lê Hải trầm ngâm.
-         Nhưng lạ một cái là cả ba chúng tôi lật ngược lật xuôi mãi mà cứ đụng đi đụng lại một câu hỏi… – ông Nghĩa nói tiếp: - Bàn tay nào đã tạo nên sự phá hoại hay tội ác man rợ này? Hai ông già đều cho rằng dù sức ép bên ngoài hay tình thế bắt buộc đến thế nào chăng nữa, không thể tự dưng lại có chuyện đem đồng chí đồng đội của mình ra mà bắn, không thể tự dưng có chuyện con đấu cha, đình chùa tan hoang thành nơi đấu tố, trong vòng một đêm xóm làng tơi tả... Trong khi đó ba năm liền Tây dồn lực đánh phá mà không làm sao chiếm gọn được Yên Lạc...
-         Hai lão tướng hôm nay đã tìm thấy câu trả lời chưa? – ông Chính hỏi.
-         Chưa, anh Chính ạ. Nói là chưa vì còn thiếu chứng cứ thôi…  
-         Nhưng ít nhất cũng phải tìm ra cái hướng nào chứ? – ông Chính gạn hỏi.
-         Hướng thì đoán ra được rồi anh Chính ạ. Hoàng thân cho rằng: Cái gốc là lối tư duy về giai cấp và đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa cơ hội. Hoàng thân nhấn đi nhấn lại: Chủ trương đường lối sai, quyền lực lại trao vào tay những người thất học và bất tài, hãnh tiến, thì ắt phải như vậy… Họ thuộc giai cấp nào cũng thế thôi. Càng vô sản lắm càng chết!.. Riêng trong những cái gọi là quan điểm “đấu tranh giai cấp”, “giai cấp lãnh đạo”, “lập trường giai cấp”... toàn là những chuyện tào lao, nói đến Tết Công-gô cũng không hết!.. Hoàng thân nói đấy là kinh nghiệm bản thân ông nhận ra sau khi cả đời đã “vô sản hóa”,  đi học đủ các lớp từ rèn cán chỉnh cơ, chỉnh huấn.., rồi các khóa bồi dưỡng chính trị, trường Nguyễn Ái Quốc... Rồi còn động cơ cá nhân xen vào nữa chứ…
-         Có lẽ đúng là như thế... Văn hóa thấp kém, đạo đức của nhân danh lập trường giai cấp, …và cơ hội!... – ông Chính gật gù đồng tình.
-         Nhưng ông già Khoát cãi lại anh Chính ạ. Ông ấy bảo Hồ Viết Thắng[6] đâu có phải là vô sản. Hoàng Thân bác lại ngay: …Hồ Viết Thắng có thể không phải là vô sản gốc, nhưng ông ấy khi vào Đảng thì đã được vô sản hóa.., ví dụ như tôi chẳng hạn... – ông Nghĩa vừa bắt chước lại điệu bộ của hoàng thân, vừa nói: - ...Hoàng thân đấm đấm vào ngực mình thế này... Hồi đó tôi cũng phải đi vô sản hóa đen nhòm cả người rồi mới được kết nạp Đảng, da tôi lại hay bắt nắng...  Ông Khoát hỏi lại: Hay là Hồ Viết Thắng là vô sản giả?.. Hoàng thân nói: Theo kinh nghiệm của mình, vì không phải là vô sản chính hiệu, nên nhiều lúc cứ phải cương lên để cho đúng như vô sản thật… Đã thế lúc nào cũng phải thể hiện kiên định lập trường cách mạng nữa chứ! Cái chết là chỗ này... Mà đã là vô sản giả, vô sản sắm vai như thế thì còn tệ hại gấp trăm lần cái vô sản chính hiệu. Đấu tranh giai cấp của vô sản giả, vô sản sắm vai ở ta nó như thế đấy!  
-         Nếu đấy là sự thật thì ghê sợ quá!.. Có lẽ là như thế…  Hoàng thân lấy trải nghiệm của mình ra để xem xét sự việc!.. – ông Chính gần như tự nói với mình.

Cả nhà ồ lên vì nhận xét lạ tai này. Song mọi người ngồi nghe chắc khó có ai thấu hiểu được câu chuyện ông Nghĩa đang kể như bà Hậu. Nhiều lúc bà cứ ngỡ là mình đang nghe ông Nghĩa thuật lại chuyện ngày xưa ở làng mình, đang nghe kể lại chuyện bố mình... Một loạt súng nổ, bố bà Hậu máu me đầy ngực. “Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm!” “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!” – bố bà Hậu hô vang... Vì hai tay bị trói giật cánh khuỷu vào cái cọc tre, ông cố rướn cả người lên để hô cho to. Một loạt đạn nữa chát chúa, đầu bố bà Hậu nghoẹo sang một bên... ... ... Ôm con trong đám nông dân được huy động ra đứng xem, mẹ bà Hậu ngã vật ra trên bãi cỏ, nhưng hai tay vẫn cố dúi mặt bà Hậu xuống đất để tránh cho con khỏi nhìn vào cảnh tượng này... Bà Hậu hay tay úp mặt bật khóc không ra tiếng, tướng Lê Hải phải nắm chặt lấy vai bà, cố giúp bà nén lại cảm xúc của mình...

-         Để dẫn chứng, - ông Nghĩa nói tiếp - hoàng thân kể lại sau này ông được nghe: khi Trung ương quyết định đình chỉ cải cách ruộng đất và hủy ngay các án tử hình, những người trong Ủy ban Cải cách ruộng đất đã phản ứng lại dữ dội. Họ chỉ tay vào các ông Trường Chinh, Lê Văn Lương..: Mới chỉ có thế mà các đồng chí đã dao động giai cấp rồi hả? Rõ ràng đấy là phản ứng giai cấp của các đồng chí! Có phải thế không?.. Hoàng thân khăng khăng: Quyền lực trong tay vô sản hay là trong tay đóng vai vô sản thì nó như thế đấy! Bàn đi bàn lại mãi, đêm hôm ấy ông già Khoát và tôi thừa nhận có lẽ hoàng thân có lý. 

 Là người từng trải, ông Chính vẫn cảm thấy chưa thật được thuyết phục lắm:

-         Đành là thế, tôi thấy khó bắt bẻ thêm được. Song tôi vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó Nghĩa ạ. Loáng thoáng tôi được nghe ý kiến giải thích về chuyện Tầu gây sức ép và xui dại ta trong câu chuyện cải cách ruộng đất. Âm mưu này thâm độc lắm, họ muốn lái ta mà… Cứ cho là chuyện này có thật đi, nhưng tôi vẫn không đặt ra xem xét ở đây, mà chỉ muốn biết sâu hơn những nguyên nhân của ta, tự chính ta… Vậy toàn bộ “cả gói” cái nguyên nhân tự ta và hệ quả tất yếu như hoàng thân nêu ra nó phải nói lên một thực trạng gì chứ? Nó phải có một cái gì đó thuộc về văn hóa và nhân văn chứ, không thế không được. Hay là chính nó biểu hiện một thứ văn hóa, một thứ nhân văn thấp kém nào đó... Phải có một cái gì đó gốc gác cho cái đạo đức, chính trị, cơ hội này chứ, và đã gây ra tội ác khủng khiếp quá!..

Sự im lặng ập về theo câu hỏi khó. Ông Lê Hải và ông Nghĩa trao đổi với nhau điều gì đó, rồi ông Nghĩa nêu suy nghĩ của mình:

-         Tôi thừa nhận băn khoăn của anh Chính có lý. Anh Lê Hải và tôi cho rằng chính thực trạng này phản ánh một cách tổng hợp nhất mức độ kém phát triển của nước ta. Việc nước ta hồi đó vừa mới thoát thai từ chế độ thuộc địa chỉ làm cho thực trạng này gay gắt thêm mà thôi, chứ không phải là nguyên nhân đẻ ra nó.
-         Không được. Nói như anh Nghĩa còn vòng vo lắm. Phải nói trắng ra là không thể đổ hết mọi tội lỗi cho thực dân đế quốc sài lang hay cho bàn tay của Tầu được! Tầu nào có thể bảo được cải cách ruộng đất mở đầu bằng việc chọn bà Nguyễn Thị Năm cơ sở cách mạng ra mà bắn? Cái này phải do ta chứ!
Cả nhà rồ lên lào rào rồi lặng ngắt một lúc.

-         Trời ơi, anh Lê Hải quyết liệt quá!.. Do ta là thế nào hả anh? – bà Hương vợ ông Chính mãi mới nói được. Còn bà Hậu thì gục đầu vào vai bà Hương, nước mắt cứ tự nó trào ra.
-         Nhưng câu chuyện thật nó là như thế, chị Hương ạ. – tướng Lê Hải nói tiếp. - Chính cái yếu kém tự tại trong bản thân mình mới là quyết định. Đồng ý có cái vay mượn và lệ thuộc vào cố vấn Tầu. Lại thêm cái ác cố hữu của quyền lực nữa. Hình như cái ác của quyền lực lệ thuộc càng vô đạo đức và hèn mạt! Vì quyền lực càng yếu kém, bản năng tự vệ càng ngoan cố.
-         Anh Lê Hải có lý. – bà Nguyệt thừa nhận. -… Cái yếu kém tự bản thân ta mới là điều quyết định. Tôi vấp phải chuyện này khi giảng cho học sinh các bài thơ của Sóng Hồng. Các em vặn lại tôi: Chẳng lẽ cách mạng và nhân tính không thể dung hòa được với nhau. Có em còn hỏi tôi: Hay là cách mạng không có nhân tính? Các em dẫn chứng bài thơ “Thư gửi cho cha[7]… Chuyện cách đây cả nửa thế kỷ rồi. Hôm nay nhớ lại, trong thâm tâm tôi vẫn phải thừa nhận không thuyết phục được các em...
-         Vô tình đụng vào chuyện này, anh Lê Hải dốc ruột gan mình ra xem nào? – ông Chính cố ý nói thật nhẹ nhàng, để hướng câu chuyện đi vào bản chất sự việc, không bốc lửa. 
-         Vâng, xin thưa với cả nhà là thế này, - tướng Lê Hải chậm rãi. - …Từ hàng chục năm nay vợ chồng tôi không biết đã bao nhiêu lần nói chuyện thâu đêm với nhau về quá khứ đau lòng này. Bây giờ nhìn lại, âm mưu của Trung Quốc là khá rõ. Họ đưa đấu tố cải cách ruộng đất vào ta nhằm thanh lọc hàng ngũ cán bộ ta, để thuần hóa và để quy phục họ. Tôi không nghĩ là phía ta lúc ấy đã nhìn ra được âm mưu này. Cái mù quáng của ý thức hệ nó kinh khủng lắm. Cho đến khi phải đình chỉ cải cách ruộng đất và sửa sai có lẽ cũng vẫn chưa nhìn ra. Hậu khăng khăng như vậy và tôi tán thành. Sự thật là cho đến hôm nay vẫn chưa có một lời xin lỗi dân vả rút ra bài học sai lầm này…
-         Đảng này có bao giờ sai mà phải xin lỗi dân hả anh Lê Hải? – bà Nguyệt chen vào. – Mấy hôm trước tôi gặp anh Lê Đạt nhân dịp anh được tặng Giải thưởng Nhà nước. Tôi hỏi nhà nước không xin lỗi vụ Nhân văn Giai phẩm sao anh vẫn nhận giải? Anh Lê Đạt trả lời: Họ không bao giờ đủ can đảm xin lỗi đâu. Trao giải thưởng là cách xin lỗi gián tiếp. Nên cho qua đi để khép lại quá khứ!
-         Đúng thế, chị Nguyệt ạ. – tướng Lê Hải nói tiếp: - … Sự vay mượn này còn là tai họa lâu dài cho đất nước. Nó đã trở thành một thứ văn hoá của nô dịch. 
-         Trời ơi anh Lê Hải! – ông Chính bật kêu lên như cái lò so bị nén.
-         Tôi không thể nói khác được. – vẫn tướng Lê Hải. - …Kinh nghiệm những gì đã trải qua của bản thân, tôi thấy điều đáng lo hàng đầu không phải là nước ta đang sống trong thực trạng thấp kém hiện nay – vì đấy là thực tế khách quan đang diễn ra trên đất nước ta nhiều năm nay rồi. Mối lo lâu dài của tôi là giới lãnh đạo các cấp hiện nay ít quan tâm, hoặc chưa đủ trí tuệ nhận thức được sự tha hóa nguy hiểm này của chế độ chính trị. Mấy chục năm nay nó đã tạo dựng nên một văn hóa thấp kém cho đất nước, một tật bệnh không ai nói trước được mọi tác hại và di chứng... Chính đây là nỗi khổ của đất nước các anh các chị ạ! Vì họ nắm vận mệnh đất nước. – tướng Lê Hải bổ sung thêm.
-         Anh không gọi đấy là giai cấp vô văn hóa chứ, anh Hải? – ông Nghĩa hỏi lại. - …Miệng đời nói mọi chuyện bê tha hôm nay của chính quyền là từ cái nền chuyên chính vô học này mà ra!
-         Tôi muốn gọi đúng tên thực trạng, không muốn miệt thị.


Thạch chỉ ngồi nghe mà cảm thấy hai tai ù lên “…Trời đất ơi, câu chuyện chung quanh bữa cỗ mà sao dữ dằn thế này…”, trong đầu tự nhủ quyết ngồi im để nghe cho hết.

Yến hưởng ứng suy nghĩ của tướng Lê Hải:

-         Cháu thấy ý kiến của bác Lê Hải chí lí quá ạ, nhưng có lẽ bác hãy còn dượng dẹ có phải không ạ?

Cả gian phòng lại đột ngột im lặng vì nhận xét của Yến. Mọi người chờ đợi.

-         Vâng, cháu thấy có lẽ đây là một não trạng văn hóa của hệ thống chính trị này mất rồi!.. Đúng hơn có lẽ phải nói là một hệ thống chính trị ra đời từ cái não trạng của thứ văn hóa này!.. Trong kinh doanh cháu đụng độ với thực trạng này hàng ngày hàng giờ. – Yến nói suy nghĩ của mình.

Cả nhà ngạc nhiên.
         
-         Não trạng?
-         Nghĩa là đã thành tật rồi?
-         …Ra đời từ thứ văn hóa này!..
-        
-        

Các câu hỏi rộ lên

-         Vâng, nghĩa là không thể sửa được nữa ạ... Theo con, có lẽ là như thế ạ…  – Yến nói tiếp. - …Chúng cháu thừa nhận sự dung dưỡng hay cái nhân danh định hướng xã hội chủ nghĩa này chí ít là không thể ngày một ngày hai mà sửa được đâu ạ, mặc dù chúng cháu sốt ruột lắm. Ví dụ xây dựng một văn hóa làm ăn theo cam kết trong hợp đồng, theo luật.., chúng cháu thấy sao khó ơi là khó. Nhất là về phía cán bộ nhà nước! Cải cách lên cải cách xuống chẳng ăn thua gì đâu ạ. Còn đất dung dưỡng những yếu kém và sai trái như thế thì còn chết!..
-         Yến ơi, thế mà mẹ cứ nghĩ là con chai lỳ rồi đấy! – bà Chính chia sẻ với con dâu.
-         Con câm lặng chịu đựng thôi, chứ không nuốt được mẹ ạ. – Yến lại quay sang phía mọi người: - …Đã thế, là những người muốn làm cho đất nước giàu có, nhưng chúng cháu bị đối xử cứ như là kẻ đi ăn xin!.. Trở lại câu chuyện hai lão tướng trong bệnh viện của chú Nghĩa, cháu thấy đúng là nhờ cái quyết định của trên mà hai ông già may mắn thoát chết. Cháu xin hỏi: Quyết định của chú Thạch đối với chú Nghĩa cháu có phải là nhờ vào may mắn không ạ? Vì ít nhiều cháu vẫn tin con người ta sống chết có số ạ. – Yến hỏi.
-         Vâng, hôm nay có chú Thạch, cháu xin được nói thêm cho rõ câu hỏi của chị Yến cháu: Có phải bố cháu thoát chết là nhờ may không chú?  Đến bây giờ là hơn kém ba chục năm rồi, như vậy là chú có đủ khoảng cách thời gian nhìn nhận lại tất cả ạ… Cháu nghĩ chú Thạch là người chứ không phải là thánh, nên hồi ấy chú cũng có thể kết luận sai chứ ạ! – Mai, con gái ông Nghĩa, bổ sung thêm vào câu hỏi của chị dâu mình.

Câu chuyện đột nhiên chuyển hướng vào vấn đề gai góc trực tiếp của nhà họ Phạm. Trần nhà thêm tụt thấp xuống.

…Đúng, đã mấy chục năm trôi qua, kể từ cái ngày ông Nghĩa đột nhiên bị đưa vào trại biệt giam ở Thạch Thất, vào đúng cái ngày ông Nghĩa tròn năm mươi tuổi… Song cho đến hôm nay, Thạch chưa bao giờ hé miệng cho ai biết lý do sâu xa của quyết định bắt giam ông Nghĩa. Suốt quá trình hỏi cung ông Nghĩa, Thạch cũng không bao giờ để lộ điều này.

Cấp trên dặn kỹ Thạch phải tuyệt đối giữ kín, để tìm cho ra nhẽ: Tại sao giữa lúc đang chiến tranh ác liệt trên hai tuyến đầu của đất nước, Phạm Trung Nghĩa lại dám kiến nghị trên nên rút quân khỏi Campuchia, nên tìm cách đình chiến với Trung Quốc ở phía Bắc, phải tìm đường thương lượng sớm ra khỏi cái bẫy của Trung Quốc? Phải xem lại tất cả đường lối chính sách của ta...  Động cơ nào mà Phạm Trung Nghĩa đề nghị như vậy? Cái bẫy nào? Ai cài, ai đặt?.. [8]

Thạch lục lọi trong trí nhớ... văn bản Báo cáo tổng kết của Viện nghiên cứu chiến lược quân sự, ký tên trung tá Phạm Trung Nghĩa…

…Sau khi đã đuổi được Polpot dạt sang Pailin (Thái Lan), ta đã cứu được nhân dân Capuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Song ngay lập tức ta rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: Ở lại, tất yếu ta bị trói chặt vào cuộc chiến tranh du kích, ta không thể thắng nổi, đồng thời không thể tập hợp được dư luận thế giới ủng hộ sự có mặt của quân đội Việt Nam ở Campuchia. Không ở lại, Khmer đỏ sẽ quay lại với sự cuồng chiến khát máu gấp bội, nhất là có sự hậu thuẫn của Trung Quốc ngày càng mạnh. Mỹ và Trung Quốc câu kết với nhau lôi kéo được các nước “tuyến đầu” – (các “Front States”) – chống Việt Nam, đi đầu là Thái Lan. …Kéo dài tình trạng ta phải ở lại Campuchia… Việt Nam sẽ chảy máu đến chết và hiển diện trong dư luận thế giới là kẻ xâm lược. Bao nhiêu thiện cảm của dư luận tiến bộ thế giới nhân dân ta giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gần như tiêu tan hết... Ta đã quá chủ quan và đã mắc bẫy…  Thực tế này tạo ra cho Mỹ và Trung Quốc cái cớ lợi hại và những điều kiện tốt nhất tiến hành bao vây cô lập Việt Nam, đảo ngược thế cờ thất bại của hai nước này trong cuộc chiến tranh Việt Nam và ở Đông Nam Á… Tất cả cho thấy vấn đề Campuchia là một cái bẫy chết người,  cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc thực chất nhằm ý đồ chặn đứng con đường Việt Nam rút ra khỏi cái bẫy này, căng nước ta ra hai đầu mà đánh để khuất phục ta!.. Ta đã làm đầy đủ nghĩa vụ đối với nhân dân Campuchia, bây giờ là lúc dân tộc này phải tự làm mọi việc tự cứu lấy mình. Việt Nam phải trả lại vấn đề Campuchia cho quốc tế. Ta không thể để cho vấn đề Campuchia trở thành vấn đề của riêng Việt Nam. Càng không thể để một mình Việt Nam phải đối mặt với cả thế giới về vấn đề này…

Cả về sau này, năm này qua năm khác đánh vật với những dòng chữ táo tợn ấy, Thạch gần như thuộc lòng báo cáo tổng kết do ông Nghĩa soạn thảo…

Rõ ràng đọc đến rách cả báo cáo mà không tìm thấy lấy một chữ về lập trường giai cấp, về ý thức hệ, về làn sóng chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang mở rộng, là xu thế tất yếu của thời đại… Song báo cáo lại dám cả gan phê phán lãnh đạo mắc bẫy... Ôi, chỉ riêng một tội này đã đủ tiền trảm hậu tấu!.. Thạch tự nói với mình như thế không biết bao nhiêu lần. Tệ hơn nữa báo cáo không nói gì đến xu thế xã hội chủ nghĩa ở Campuchia mà hồi đó ta đang muốn thúc đẩy. Báo cáo trích dẫn ba bốn lần báo chí nước ngoài coi ta là nước lớn đánh nước nhỏ, là nước chiếm đóng, là trở thành kẻ xâm lược mới, những lời phụ họa về cái gọi là Liên Bang Đông Dương trên báo chí Trung Quốc... Các vạch bút chì xanh xanh đỏ đỏ chi chi chít của những người đọc trước Thạch đè kín nhiều trang trong bản báo cáo này. Những nét bút mầu chỗ thì khoanh tròn, chỗ gạch chéo chữ thập… giống như các đoạn dây thép gai, lúc trói nghiến những dòng chữ này, lúc như đóng gông những từ ngữ bị coi là dị ngôn trong báo cáo… Song gay gắt nhất trong báo cáo tổng kết này của ông Nghĩa có lẽ là những nhận định lý giải sự đồng lõa giữa Mỹ và Trung quốc muốn nhân sự suy yếu của Liên Xô tạo ra ván cờ mới trong khu vực này sau chiến tranh Việt Nam. Nhất là đoạn ông Nghĩa phê phán tình trạng ta không thấy thực chất cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là năm, sáu cuộc chiến tranh lồng vào nhau[9], hơn nữa còn là một cuộc nội chiến.., nên sau chiến tranh chống Mỹ ta đã vấp hết sai lầm này đến sai lầm khác. Ông Nghĩa hầu như bỏ sang một bên hoặc chẳng biết mô tê gì về tất cả những cái được coi là thuộc về phạm trù thời đại toàn thế giới tiến lên chủ nghĩa xã hội, lại càng không thấy báo cáo tổng kết này đề cao đúng tầm vinh quang hiển hách nước ta đã ra tay cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng… Mấy chục năm đã qua, Thạch vẫn nhớ như in là đã đếm được mười tám nhận xét ghi bên lề các trang giấy của những người có thẩm quyền: Phản động! Cực kỳ phản động! Phần tử địch trong hàng ngũ ta?..

Khi thụ lý hồ sơ vụ án “Phạm Trung Nghĩa”, Thạch được trên dặn đi dặn lại phải nghiên cứu thật kỹ Bản Báo cáo tổng kết chiến tranh của ông Nghĩa, không được phép bỏ sót bất kỳ chi tiết nào, phải đối chiếu từng ly từng tý với lý lịch tướng Lê Hải và toàn gia đình trung tá họ Phạm...

Vốn tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc của nghiệp vụ, ông Thạch không bao giờ tự ý phát biểu điều gì nếu cấp trên không hỏi, song trong thâm tâm ông Thạch không sao tránh khỏi ngạc nhiên khi thấy báo cáo tổng kết của ông Nghĩa bám sát vào sự việc với một thái độ khách quan lạnh lùng, không đếm xỉa đến bất kỳ cái gì khác ngoài sự kiện, sự việc, văn bản, lời nói, số liệu…

Hồi đó ông Nghĩa có lần nói vui với thủ trưởng Lê Hải khi công trình tổng kết chiến tranh hoàn thành:

-         Một khi các diễn viên lịch sử cố gắng bước lên sân khấu để ra mắt công luận với tính cách là con người thật, của sự việc thật, của tự nhiên.., chắc nhiều khán giả sẽ phải che mặt hoặc nhắm mắt trước cảnh lõa lồ khiếp đảm của sự thật đấy, anh Hải ạ!
-         Thế còn những người chỉ biết đến kinh thánh thì sao?
-         Thì họ không nghe nhìn thấy gì cả, và vẫn nhìn thấy mặt trời vẫn quay quanh trái đất.
-         À nói thế thì sẽ có ngày… Nếu không “dựa cột” thì cũng mọt đời “bóc lịch”… Liệu hồn đấy! – tướng Lê Hải dọa lại. - …Nhưng anh đào ở đâu ra cái thói tổng kết đầy soi mói thế này hả anh Nghĩa?
-         Không phải soi mói, anh Lê Hải ạ. Vật lộn giữa sống và chết suốt cuộc đời chinh chiến ác nghiệt này, tôi đã học được phải sống bằng sự thật, với tất cả trí tuệ và ý chí của mình. Không khách quan với sự vật như thế, có lẽ tôi bị chiến tranh ăn thịt từ lâu rồi… Nhờ vậy hôm nay mới còn sống ngồi đây để làm báo cáo tổng kết cho anh…
-        

Trung tá Nghĩa và tướng Lê Hải đều không ngờ giai thoại này ngay sau đó đã cho hai người nhiều trải nghiệm cay đắng…

Cơ quan phát hiện vụ nghi án này đã có kết luận cuối cùng. Ông Thạch chỉ được giao nhiệm vụ thẩm vấn lại một lần nữa trước khi phán quyết. Cấp trên dặn đi dặn lại như vậy.

Những quan điểm này là cực kỳ phản động, phải loại bỏ... Cần tập trung làm rõ Phạm Trung Nghĩa là một cá nhân, hay còn tổ chức nào đứng sau?..

 Một cái tội đáng chết nữa của ông Nghĩa là báo cáo viết: Chẳng có cái ý thức hệ hay mâu thuẫn giai cấp nào có thể vượt lên chi phối những mâu thuẫn hay xung đột lợi ích quốc gia, quan hệ giữa ta và Trung Quốc rõ ràng là như thế…  Với cái kết luận tưng tưng: …Mà như thế, thời đại tiến lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới làm sao có thể ngăn cản nổi hai cuộc chiến tranh đẫm máu chống ta ngay sau chiến thắng 30 Tháng Tư? 

Trời ơi sự thật là thế này sao? Thật không ngờ và không thể bắt bẻ được! Tổng kết như thế này thì còn gì là ngọn cờ bách chiến bách thắng của chủ nghĩa xã hội, là thời đại tiến lên chủ nghĩa xã hội phạm vi toàn thế giới?!.. Thạch còn nhớ khi ấy mình vừa đọc, vừa run.., nhiều chỗ Thạch phải thốt lên thành lời…

-         Hay là Phạm Trung Nghĩa điếc không sợ súng?..[10] Hay là gì gì nữa?..
-         Nhỡ Phạm Trung Nghĩa là kẻ phản bội thật thì sao?
-         Trời đất, nếu ta để Phạm Trung Nghĩa lọt lưới!.. Đây có thể là kẻ phản bội táo gan nữa là khác mình chưa từng gặp… Chí ít cũng là một thằng điên!..
-        

Trong những ngày thẩm vấn ấy, Thạch tự hỏi như vậy hàng trăm lần mà chưa dám cả quyết tự trả lời mình lấy một lần. Trong thâm tâm Thạch thừa nhận gia đình họ Phạm này mất mát nhiều quá trong chiến tranh… Nhưng dù thế nào đi nữa, xưa nay chẳng thấy ai tổng kết ngược đời như vậy cả. Càng không ai dám cả gan kiến nghị rút quân ở phía Nam và đình chiến ở phía Bắc, để sớm thoát khỏi âm mưu Trung Quốc thâm hiểm đang căng Việt Nam ra hai đầu mà đánh… Kiến nghị như thế giữa lúc nước sôi sung đạn ầm ầm, đầu rơi máu chảy... Có lúc Thạch cảm thấy ê răng và toàn thân buốt lạnh lên tận đỉnh đầu… Trong khi đó không khí báo chí cả nước hừng hực tính chiến đấu gay gắt, Bộ Ngoại giao ta ra sách trắng chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc, sau đó còn ghi rành rọt điều này vào Hiến pháp[11]...

-         Ôi anh Nghĩa! Chống Hiến pháp, chống chủ nghĩa xã hội, thế là đủ tội chết rồi, đừng nói gì đến những chuyện động trời khác… - hôm nay nghĩ lại, Thạch vẫn phải kêu lên trong đầu như vậy.

...Ngồi ăn cỗ nhà họ Pham trong không khi vui vẻ như vậy, Thạch vẫn thấy lạnh rờn rợn trong lòng. ...Ôi cái gì sẽ đến với Phạm Trung Nghĩa, với gia đình này.., rồi đất nước này… Nếu hồi đó ta chỉ tìm cách bổ xung đôi ba luận cứ nhằm củng cố cho cái kết luận đã thành án?!.. Mọi chứng cứ, mọi dữ liệu đã rành rành  mười mươi cho một bản án như thế...

-          Tất cả đã rõ để kết án! Không phải bàn cãi gì nữa! Chỉ cần xác định nốt Phạm Trung Nghĩa là một cá nhân hay là một tổ chức để truy cứu tiếp những vụ khác?... - người giao nhiệm vụ cho ông Thạch nhấn đi nhấn lại ý này.


Hôm nay lật đi lật lại vấn đề, ông Thạch càng thấy giữa đúng và sai, giữa Phạm Trung Nghĩa yêu nước và Phạm Trung Nghĩa phản quốc chỉ cách nhau sợi tóc…

Mọi người chờ đợi, nhưng Thạch vẫn ngồi im như pho tượng.   

-         Chú Thạch đến hôm nay vẫn còn phải đắn đo nhiều đến thế ạ? Bố Chính cháu nói chú đã nghỉ hưu ít nhất là hai chục năm nay rồi cơ mà? – Yến sốt ruột.

Lúc này Thạch mới nhúc nhích, nhưng cũng chỉ cầm tách nước lên nhấp nháp rồi lại ngồi im.         

-         Chú làm chúng cháu sợ đấy ạ. – giọng nói của Mai run run.

Thạch bất đắc dỹ phải trả lời:

-         Vâng, xin thưa với cả nhà, đến tận hôm nay tôi vẫn chưa biết nên nói gì ạ. Tôi nói thật lòng đấy ạ… – ông quay sang ông Nghĩa: - ...Anh Nghĩa ạ, câu hỏi may hay không may? Có số hay không có số? của cô Yến và cô Mai nêu ra… có lẽ chỉ có anh mới đủ tư cách trả lời thôi ạ.  
-         Ôi, thế là thế nào? – mắt ông Nghĩa tròn xoe.
-         Thế là thế nào? – tướng Lê hải cũng hỏi theo.
-         ...

Cả gian phòng ồn ào.

-         Xin hãy tin tôi. Suốt quá trình thụ lý vụ án này, cấp trên chỉ đạo ráo riết lắm, tôi chỉ lo bỏ sót tội… – Thạch giãi bầy. – Nếu bỏ sót, tôi cũng sẽ mắc trọng tội phản quốc không kém gì anh Nghĩa đâu ạ.
-         Vậy hôm nay anh có thể kết luận dứt khoát được chưa? – ông Nghĩa gặng hỏi.
-         Chỉ anh mới có thể đánh giá được là kết luận của tôi có phải là một sự may mắn hay không, anh Nghĩa ạ. Chỉ có anh thôi… - Thạch không trả lời thẳng vào câu hỏi của ông Nghĩa: - …Chuyện đã hàng chục năm nay rồi, nhưng mỗi khi nghĩ đến, thực lòng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Bây giờ ngồi đây cũng vậy… Nhất là bây giờ trước mặt mình nhìn thấy cả đại gia đình họ Phạm sum họp đề huề như thế này… – dứt câu nói, Thạch ngước mặt lên trời, như đang tìm kiếm ai đó trên trần nhà.
-         Không, anh Thạch! Không thể thế được! Tôi tưởng mọi chuyện đã hai năm rõ mười!.. – ông Nghĩa đứng hẳn lên, khập khiễng bước lại bên, đưa cả hai tay nắm lấy vai ông Thạch như thể kéo Thạch từ trần nhà xuống: - …Cho đến hôm nay tôi còn nhớ như in mọi câu anh hỏi cung, còn thuộc không sót một chữ những gì tôi viết trong các bản khai báo… Anh biết không… Đến hôm nay… Đến hôm nay, ngồi giữa những người tôi yêu thương trong gian nhà này.., thế mà tôi vẫn chưa làm sao quên được cái cảm giác lúc ớn lạnh sởn da gà khắp người, lúc đầu tôi cứ như một cục lửa… Anh biết không… Hồi ấy…  …Đã đôi ba lần tôi toan cướp lấy khẩu AK của bảo vệ bắn tất cả những ai đứng quanh tôi, kể cả anh…  Thầm mong đây là khẩu đại bác xóa sạch cả cái khu biệt giam Thạch Thất của anh đi, rồi muốn ra sao thì ra… - đến đây ông Nghĩa mặt đỏ bừng. Ông phải dừng lại, mắt nhắm nghiền. Ông buông Thạch ra, hai bàn tay nắm chặt trước ngực. Ông thở hổn hển như người thiếu không khí.

Cả gian phòng sững sờ, chết lặng.

-         …Không bao giờ!.. Không bao giờ anh Thạch ạ... – ông Nghĩa nói nhát gừng, mãi chưa thành câu. - … … …Anh cố ý bắt tôi khai đi khai lại không biết bao nhiêu lần... Tôi không tránh né bất kỳ câu hỏi nào của anh cả, có đúng không? Như thế còn điều gì chưa rõ hả anh Thạch?

Ngẫm nghĩ mãi Thạch mới nói được:

-         Thưa anh Nghĩa, tôi hiểu được anh. Xin hãy tin là tôi hiểu được anh… Tôi hiểu được cả khuôn mặt anh những lúc trắng bệch ra, nhưng môi mím chặt… Hiểu được cả hai mắt anh lúc đỏ ngầu như lửa nhìn tôi chằm chằm… Làm sao tôi quên được những khoảnh khắc ấy hả anh Nghĩa?!.. Tôi không nhớ xuể bao nhiêu lần tôi đã đối thoại với khuôn mặt ấy trong những năm qua, với cái nhìn nẩy lửa của anh.., trên mọi nẻo đường sau khi tôi giải ngũ… Nhất là những khi sau này chính tôi phải đối mặt với những điều tôi không tài nào lý giải được…
-         Anh nói hết đi! Anh Thạch!.. – giọng ông Nghĩa gần như van xin.
-         Vâng… Hôm nay xin anh cho hỏi một câu: Anh có thấy điều gì tôi không hỏi cung anh không ạ? – ông Thạch cố ý nói rất chậm, nhưng mắt vẫn nhìn về đâu đâu, cứ như thể đang lục lọi điều gì đó nơi xa xăm.

Câu hỏi của Thạch làm ông Nghĩa trấn tĩnh lại. Ông khập khiễng bước ra đứng sừng sững giữa nhà, một tay khoanh lại trước ngực, một tay đưa lên chống cằm, đắn đo từng lời:

-         Nhớ chứ... Tôi rất nhớ... Và hồi đó thấy rất khó hiểu nữa là khác... Ừ… Anh hỏi tôi đủ thứ, kể cả truy tôi ai chủ mưu đề nghị rút quân.., hỏi rất kỹ lý lịch các em tôi.., nhưng trừ một điều... Sau vài hôm viết khai báo theo hỏi cung, tôi thừa biết là trừ một điều anh không hỏi tới…
-         Xin anh nói tiếp đi, anh Nghĩa – ông Thạch giục.
-         Từ ngày tôi vào trại đến ngày tôi ra trại, anh không bao giờ hỏi tôi một câu về công việc tổng kết chiến tranh của tôi cả. ...Sau ngày đầu tiên anh hỏi cung, tôi biết ngay bản tổng kết chiến tranh của tôi mới đúng là cái thòng lọng sẵn sàng treo cổ tôi. Nhưng chừng nào anh không chủ động hỏi về báo cáo tổng kết này, thì tôi nhất quyết không nói. Một nửa lời cũng không nói! Đơn giản báo cáo tổng kết không phải là thứ mang ra để khai và kết án! Đấy là nguyên tắc sống của tôi! Chết thôi, không hỏi dứt khoát không nói! Đừng có mà hòng làm tôi phun ra trước! Anh gan lắm! Có đúng thế không hả Thạch?.. – ông Nghĩa dừng lại, nhìn thẳng vào mặt Thạch: - …Tại sao anh không đụng đến một chữ nào về báo cáo tổng kết chiến tranh của tôi hả anh Thạch? Không đụng lấy một chữ!.. Hôm nay anh phải nói đi!
-         Thưa anh Nghĩa, ngay cả hôm nay tôi cũng xin nhất quyết không hỏi anh câu này ạ. Chết mang theo, chứ không hỏi. Vì nó là nguyên tắc nghiệp vụ anh Nghĩa ạ. – nét mặt ông Thạch dạn ra chút ít.

Cả gian phòng nín lặng một lúc, rồi đột nhiên tiếng vỗ tay ran lên.

-         Kỳ phùng địch thủ! Sau mấy chục năm mà vẫn còn là kỳ phùng địch thủ của nhau! Giỏi đấy!.. – tướng Lê Hải vỗ tay to nhất, vẻ mặt đầy thán phục. – Bây giờ thế này, trước khi anh Nghĩa trả lời hai cháu, đề nghị anh Thạch giải thích tại sao anh đến hôm nay anh vẫn tránh lấy cung anh Nghĩa câu hỏi quan trọng nhất. Bản tổng kết chiến tranh của Viện tôi mới là cái đinh của câu chuyện, anh thừa biết anh Nghĩa bị bắt là vì thế mà!  Anh nói là nguyên tắc nghiệp vụ, tôi chấp nhận. Nhưng đến hôm nay là mấy chục năm rồi còn gì nữa…

Ông Thạch lúc này mới nhìn vào mọi người:

-         Xin thưa cả nhà, đấy là nguyên tắc của nghề nghiệp ạ, không được phép mớm cung hay là tạo ra khả năng mớm cung ạ. Hỏi như thế sẽ là nguy cơ mớm cung rất lớn. 
-         Lấy gì đảm bảo anh có thể giữ được điều này. – ông Lê Hải bám riết.
-         Tôi xin chịu anh Lê Hải là người tinh quái ạ. – ông Thạch lúc này mới thoáng cười. - ...Chính vì vậy sau khi nghiên cứu hồ sơ của anh Nghĩa, tôi đã yêu cầu trên chỉ để một mình tôi được tiếp cận nghi can, cho đến khi tôi thụ lý xong toàn bộ vụ án ạ.
-         Yêu cầu của anh được chấp nhận?
-         Vâng, đó là điều kiện tôi đặt ra để nhận hay không nhận thụ lý vụ trọng án phức tạp này anh Lê Hải ạ. Nhưng chuyện của anh Nghĩa hồi đó còn một rắc rối khác lớn hơn nhiều, liên quan đến một đường dây từ bên ngoài, lúc đó chưa xác minh được ạ. Đã thế báo cáo tổng kết của anh Nghĩa đụng chạm đến tất cả đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao  của Đảng, lời lẽ nhiều chỗ phạm thượng đủ mức xử trảm…
-         Bây giờ chú đã xác minh được điều gì chưa ạ? Xin chú kể cho cả nhà nghe đi. – Mai giục giã.
-         Vâng, chuyện là thế này ạ... -  Thạch nói: - ...Đường dây có liên quan hồi đó phải làm rõ là có một nhà báo nước ngoài đến gặp Tổng thống Dương Văn Minh vài giờ trước khi đọc bản Tuyên bố đầu hàng[12]  –  Thạch giải thích: - ...Nhà báo này nói, ông ta được Trung Quốc ủy nhiệm đến khuyên Dương Văn Minh cố tử thủ thêm vài giờ nữa. Cố vài giờ nữa thôi, Trung quốc sẽ có phương án ứng phó thích đáng!.. Chỉ cần không đầu hàng!.. Nhưng tướng Minh đã khước từ... Nhờ vậy Sài Gòn được nguyên vẹn...
-         Có chuyện ấy? – tướng Lê Hải hỏi?
-         Thưa anh Lê Hải, tin trên trời nói như vậy ạ. Là ăng-ten thì phải thu hết mọi thứ anh ạ. – Thạch đáp lại.
-         Anh Thạch này, anh Hải và tôi không có thông tin trên trời hay dưới biển nào cả, nhưng cả hai chúng tôi đánh giá cao quyết định đầu hàng của tướng Minh. Quyết định này tránh cho Sài Gòn thương vong và tan nát, đơn giản có thế thôi… Sự việc là thế, báo cáo tổng kết của chúng tôi viết ra như thế. Tôi không nhớ nguyên văn, nhưng dứt khoát có ý này. – ông Nghĩa xác nhận.
-         Vâng, một trong những “tội chết” của anh chính là điểm khen ngợi tướng Minh ạ. Về sau biết thêm đường dây này liên quan đến chiến tranh Campuchia, chiến tranh phía biên giới phía Bắc... – Thạch nói tiếp. - ...Rồi tới tấp các khuyến cáo từ bên ngoài dụ dỗ Việt Nam nên đầu hàng... Nga Xô kiệt quệ sắp đổ đến nơi... Vâng, chiến tranh tâm lý hồi đó quyết liệt lắm... Thưa các anh các chị, trong tình hình như thế anh Nghĩa không bị bắt mới lạ ạ...
-         Rõ... Thế là rõ... – ông Nghĩa như đang nói với chính mình.
-         Trời đất ơi… - nhiều người cùng ngạc nhiên như ông Nghĩa.
-         Thưa anh Nghĩa, chưa rõ đâu ạ. Tội anh to hơn thế nhiều anh ạ... –  Thạch lại bỏ lửng.
-         Chết!.. Chết! Còn gì nữa?!.. – ông Nghĩa kêu lên. Cả nhà càng ngạc nhiên và giục Thạch phải nói tiếp,
-         ???
-         ???
-         Rõ khổ! Bao lần xuýt chết vì cầm đèn chạy trước ôtô mà không chừa!.. – đã mấy chục năm rồi mà bà Nguyệt vẫn chưa hết xót xa cho chồng.
-         Hôm nay tôi xin thưa: Tội của anh Nghĩa trong bối cảnh hồi ấy đủ mức y án đấy ạ.  Xin cho tôi dừng ở đây, tôi không thể nói thêm điều gì nữa đâu ạ.
-         Lại cái chuyện đường dây? – ông Nghĩa hỏi.
-         Vâng, đúng thế! Một đường dây lớn ạ. Thông tin hồi đó nhiễu lắm, xin miễn hỏi thêm. Chết mang theo!.. Nguyên tắc nghề nghiệp đấy ạ.

Mọi người nhao nhao hỏi lại, Thạch một mực từ chối trả lời tiếp.

-         Không thể nói là tôi may mắn, mà phải nói là anh kết luận chính xác, anh Thạch ạ. – ông Nghĩa tự trả lời câu hỏi của số phận, cũng là câu hỏi của Yến và Mai. - …Hôm nay tôi càng hiểu... Khi anh gặp lại để tuyên bố tôi vô tội, tôi thấy anh phờ phạc, như thể bỗng nhiên anh già sọm đi mấy tuổi! Khuôn mặt anh hôm ấy… Tôi nhớ lắm…
-         Vâng, thưa anh bởi vì kết luận của tôi bị trên bác bỏ. Tôi chống lại hai ngày liền, mẻ đầu sứt trán...
-         Anh thuyết phục được trên chứ? – tướng Lê Hải hỏi.
-         Không ạ. Hôm ấy bàn hết cả một buổi sáng, rồi chuyển sang hôm sau.., cuối cùng tôi chỉ nói được: Nếu bắt tôi kết luận khác, tôi đành không ký  vào biên bản kết án. Trên muốn xử lý tôi thế nào xin tùy ạ... Cũng may là lúc ấy vẫn còn sự sáng suốt của người có tiếng nói quyết định…Cuối cùng bản án không thành...

Tướng Lê Hải ngồi thẳng người lên, hai mắt sáng quắc chằm chằm vào Thạch như muốn đi tới cùng của sự thật:

-         May là hồi đó con người còn có cái tâm… Sau đó anh đã làm gì hả anh Thạch?
-         Ôi nếu hồi ấy là cái nhiễu nhương như hôm nay thì bố cháu chắc chắn bị bắn chết rồi! – Mai kêu lên giữa nhà.
-        

Cả gian phòng im ắng chờ đợi. Bà Nguyệt vợ ông Nghĩa càng nghe Thạch nói càng xót xa cho chồng mình. Bà cứ ngồi lắc đầu, nhìn Thạch chằm chằm. Mãi ông Thạch mới nói, nhưng rất khẽ, gần như chỉ nói cho mình nghe:

-         Sau đó tôi chuẩn bị cho mình tất cả ạ, thưa anh Lê Hải... Kể cả tình huống nếu đến lượt tôi phải ngồi vào ghế bị hỏi cung như anh Nghĩa... Nghề nghiệp của tôi nó quyết liệt như thế đấy ạ... Tôi còn nhớ, đúng lúc ấy chỗ tôi nhận được thêm mấy gián điệp vừa mới bắt được từ chiến trường phía Bắc gửi về để thẩm vấn... Cũng có thể đấy là những gián điệp được lệnh chủ động bộc lộ để cho ta bắt, để gài tin, để nhắn tin?… có mà trời biết!.. Trong mặt trận này người ta có nhiều chiêu lắm anh Lê  Hải ạ, mà chiến sự trên biên giới phía Bắc lúc ấy rất ác liệt, sau đột nhập tiến công 6 tỉnh là rút về pháo kích... Có những đợt Trung Quốc rót đại bác sang bên ta tối ngày tối đêm hàng tuần liền...
-         Nhớ... Tôi nhớ... – tướng Lê Hải nói thêm. - ...Hồi ấy báo chí ta còn đưa tin Trung Quốc hình như muốn nhân dịp này bắn hết số đạn cũ tồn kho.., nhất là trút vào điểm Núi Đất và nột số điểm nữa xã Thanh Thủy ở Vị Xuyên tỉnh Hà Giang[13].
-         Anh Hải đúng là con nhà binh! – ông Chính thán phục. 
-         Anh Nghĩa chị Nguyệt chắc còn nhớ chứ, đợt pháo kích ấy là câu chuyện chủ đề của chúng ta trong bữa cơm sinh nhật Hậu. Cùng dự với chúng ta hôm đó có cả vợ chồng anh chị Lễ... Có đúng không? – ông Lê Hải hỏi bạn.
-         Nhớ, anh Hải ạ. Hôm đó Thảo có ý kiến rất độc đáo về quan hệ đối ngoại của đất nước[14].
-         Quả là thế. – tướng Lê Hải nhớ lại. - …Hôm đó tôi thừa nhận với chị Thảo là chúng ta túi bụi với kháng chiến nên chưa đủ trấn tĩnh để nhìn thế giới…
-         Bữa cơm sinh nhật đầy oan khiên, làm vỡ không biết bao nhiêu cái đầu Tào Tháo, có phải thế không anh Thạch? – ông Nghĩa hỏi, đầu óc lại nghĩ đến cái trai biệt giam Thạch Thất.
-         Vâng. – Thạch trả lời: - ...Tại các anh các chị lúc đó cả gan mời vợ chồng đại tá ngụy quân đến nhà ăn cơm, ngay lúc anh Lễ vừa ở trại cải tạo về! Lúc bấy giờ người ta gọi là ngụy quân, chứ không gọi là quân đội Sài Gòn như bây giờ đâu ạ.
-         Thời cuộc thay đổi, ngôn ngữ cũng thay đổi có phải không?  - bà Chính hỏi.
-         Mỗi ngày một khác chị ạ. – Thạch đáp lại.
-         Dù sao tôi cũng gặp may thật, anh Thạch ạ. Câu chuyện của tôi hồi đó hầu như chỉ xoay quanh giữa đúng và sai. Cháu Mai nói đúng đấy. Nếu xảy ra vào thời buổi nhiễu nhương như bây giờ, dây nọ nhằng nhịt dây kia, đúng – sai đổi chỗ cho nhau loạn tùng xị, thì... thì… – ông Nghĩa bỏ lửng câu nói của mình, vì bỗng dưng cảm thấy toàn thân mình lại ớn lạnh cái lạnh của người từ dưới mồ trở về năm nào...
-         ...
-         ...

Cả gian phòng lao xao chuyện ngày xưa. Trừ người trẻ nhất lúc ấy chưa biết gì là Phạm Trung Trung Nam - con trai Yến, cũng là người duy nhất của thế hệ thứ ba họ Phạm được góp mặt ở đây. Tất cả những người còn lại trong phòng này đều là nhân chứng có ý thức của những năm tháng đầy mùi thuốc súng và nước mắt này.  Chờ cho yên lặng một chút, ông Chính mới đứng dạy cầm con dao ăn gõ keng keng vào một cái cốc trên bàn, trịnh trọng:

-         Thưa anh chị Lê Hải, thưa anh Thạch, thưa cả nhà, chúng ta tạm dừng câu chuyện Thạch Thất ở đây nhé. Quá khứ này là một phần máu thịt của chúng ta, là một phần của chính chúng ta hôm nay. Tất cả chúng ta ngồi đây, đủ các thế hệ khác nhau, nhưng cùng tâm tâm niệm niệm một điều là để có hôm nay không bao giờ được quên quá khứ, càng không bao giờ được mài quá khứ ra mà sống. Chính vì lẽ này, anh Lê Hải và tôi hôm nay có câu chuyện xin thưa với cả nhà...

Mọi người ngơ ngác.

-         Nguyệt và Hậu ơi, mục này không thấy trong thực đơn!  Anh Chính mới sáng tác ra hay sao thế? - bà Chính kêu lên.
  
Tiếng cười bắt đầu rộn lên.

-         Vâng, tôi hy vọng đây là bất ngờ vui. Anh Lê Hải với tôi là kẻ chủ mưu ạ.  -  ông chính nói tiếp: - …Bây giờ xin nhường lời cho anh Lê Hải ạ.

Đến lượt tướng Lê Hải đứng dậy, vui vẻ:

-         Vâng, hai chúng tôi muốn giữ bí mật các anh các chị ạ. Nhưng dù sao bác vẫn phải xin lỗi các cháu ở đây. Còn các cháu khác trong Nam bác đã thông báo rồi.

Đám trẻ xì xào giương mắt nhìn nhau. Họ gồm Yến là con dâu ông bà Chính cùng với con trai Phạm Trung Trung Nam, Loan là con gái ông bà Chính, có vợ chồng Mai - Khái là con gái và con rể ông bà Nghĩa.

-         Cho bác nói thêm, các cháu trong Nam đã tán thành rồi. – ông Lê Hải nói thêm.
-         Ôi!.. – Yến reo lên một tiếng rồi im. Lúc này Yến hiểu ngay hôm nay sẽ có chuyện gì.
-         Anh Chính nói đúng đấy ạ. – tướng Lê Hải giãi bầy. - ...Chúng tôi chẳng những thống nhất với nhau không được mài lịch sử ra mà sống, mà còn bảo nhau trời còn để sống ngày nào thì còn muốn có ích ít nhiều cho mọi người ngày đó, trước hết là lo cho con cháu mình trong nhà... Chỉ xin nói thêm thế này: Bên má Sáu Nhơn chúng tôi có Bản Tuyên ngôn Độc lập đã bị xé. Bên hai cụ Tuyên nhà ta đây đất nước độc lập thống nhất rồi mà vẫn có cháu Nam phải hy sinh ở Campuchia, có cháu Huệ đã mất trên biển.., rồi đến bức thư tâm huyết của cụ Phạm Trung Học…  … … Vâng, các cụ Sáu Nhơn và Phạm Trung Học không còn nữa. Nhưng tất cả chúng ta ngồi đây, nhất là thế hệ các cháu, đều mang nặng trong lòng những ước vọng các cụ đã dặn dò, cũng là ước vọng của cả dân tộc ta. Vì thế anh Chính và tôi mới chọn ngày giỗ hôm nay của hai cụ Tuyên để thưa chuyện với cả nhà. Bây giờ chắc cháu Yến đã hiểu ý bác. Nói đi Yến!

Đến lượt Yến đứng dậy. Tuy đã biết chuyện mà Yến vẫn không tránh khỏi hồi hộp:

-         Thưa bác Lê Hải, có phải cháu phải nói về chuyện bác đã bàn với em Vũ và cháu trong Sài Gòn không ạ? – Yến thận trọng.
-         Đúng. Chỉ có chuyện ấy thôi. – ông Lê Hải lúc này mới ngồi xuống.
-         Vâng ạ, bây giờ con xin nói. Thưa cả nhà ạ, bác Lê Hải và bố Chính cháu rất lo cho công việc làm ăn của tụi cháu. Đã gần ba năm rồi... Vụ án tai nạn em Quân bị xe tải cố tình đâm chết tại Quận 9 cho đến hôm nay vẫn chưa được đưa ra xét xử. Khiếu nại đi khiếu nại lại, lúc họ kêu là điều tra chưa xong, lúc thì cãi là đã có kết luận dứt khoát là tai nạn. Lúc còn sống bác trai và bác gái Hai Phong kiện dữ lắm với chính quyền, nhưng không ăn thua gì ạ...
-         Quân là con rể của anh chị Hai Phong tôi, là em rể của Huỳnh Thái Vũ anh Thạch ạ.  – ông Lê Hải giải thích.
-         Vâng. Tôi cũng đoán thế ạ. Tôi thuộc lý lịch bên nhà, xin hiểu cho đấy là bệnh nghề nghiệp ạ. – nói được như thế, nhưng đến giờ này Thạch vẫn không sao đoán được hôm nay hai nhà Phạm - Huỳnh này định bàn chuyện gì.
-         Nghe lời khuyên của bác Lê Hải và bố cháu... – Yến nói tiếp: - ...trước đây hai năm chúng cháu đã quyết định hoãn việc thành lập tập đoàn kinh tế PH của họ Phạm và họ Huỳnh. Không khí chính trị và tình trạng luật pháp hiện nay chưa cho phép lập tập đoàn kinh tế tư nhân một cách danh chính ngôn thuận đâu ạ. Làm như thế sẽ chẳng khác gì hút đạn về phía mình. Nên chúng cháu thống nhất với nhau phương châm áo gấm đi đêm. Chúng cháu tìm mọi cách mở rộng hoạt động Ngân hàng PH, nhưng  không xưng danh tập đoàn. Lấy ngân hàng PH làm đại bản doanh ạ.
-         Mẹ gọi đấy là tập đoàn chui có được không con? – bà Chính trêu con dâu.
-         Đành phải thế mẹ ạ. Ngân hàng cổ phần tư nhân này thực chất là tổng hành dinh của tập đoàn PH chưa có giấy khai sinh. Ví dụ con hiện nay là chủ tịch tập đoàn, nhưng danh nghĩa này không có về mặt pháp lý, nên con phải mượn cái ghế chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng PH để có một tư cách pháp nhân tương xứng trong giao dịch.
-         Tập đoàn bị cấm hả cháu? – bà Hậu thật thà.
-         Dạ không ạ. Không có Luật nào cấm thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân đâu ạ. Nhưng lúc này chủ động làm nam châm tự hút đạn về phía mình thì không nên ạ. 
-         Áo gấm đi đêm ngay ban ngày ban mặt trên đất nước mình hả cháu? Sao mà kỳ quặc thế? – vẫn bà Hậu.
-         Không có cách nào khác cô Hậu ạ. Trong khi đó tập đoàn kinh tế quốc doanh đã được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, lại còn được phép kinh doanh trái nghề. Kinh tế ngầm tha hồ phát triển. Chúng cháu càng vỡ đầu. Các tập đoàn chiếm sân chơi của chúng cháu dễ như không! Lại lập ra các ngân hàng riêng nữa. Nghĩa là ngoài cái đặc quyền nhà nước ban, họ còn mọc thêm những cánh tay bạch tuộc khác, tha hồ mà thao túng!
-         Như vậy kinh tế quốc doanh là chủ đạo là có cái lý của nó đấy chứ? – bà Hậu mỉa mai.
-         Thưa cô Hậu đúng thế ạ. Báo chí gọi thẳng đấy là chủ nghĩa tư bản đỏ, chủ nghĩa tư bản thân hữu. – Yến đồng tình.  - ...Bác Lê Hải và bố cháu phán đoán đúng: Quy mô kinh doanh của chúng cháu càng liên kết rộng, chúng cháu càng thắng. Nếu cạnh tranh đằng thằng phân miêng với bọn  cháu, chắc chắn các ông bà quốc doanh không còn mảnh giáp! Chính vì thế kiểu gì họ cũng sẽ tìm cách thôn tính bọn cháu quyết liệt.
-         Chịu khoanh tay chờ chết hả Yến? – bà Nguyệt hỏi.
-         Không đời nào chúng cháu chịu thế thím Nguyệt ạ. Nhưng nguy hiểm là ở chỗ họ có quyền lực trong tay, họ xoay trở nhanh hơn khả năng đối phó của chúng cháu! Vì thế chúng cháu đang lép vế.
-         Em hiểu rồi, tại hoa hậu quý bà Nguyễn Thị Bạch Yến không chịu để cho người ta rước vào ngồi dưới lọng quan này quan nọ thôi! – Loan, em chồng của Yến (em gái  Nam), chêm vào. Loan nhớ lại những lần cả nhà bàn bạc sôi nổi với nhau việc mấy “vua lớn, vua nhỏ” đánh tiếng chuyện trầu cau với ông bà Chính về  Yến. Một số chuyện khác đại loại như thế, nhưng sàm sỡ và thiếu văn hóa hơn...
-         Đúng thế Loan ạ. Lọng rởm thì không nói làm gì, còn lọng thật của các quan thật chị thấy cái nào cũng bé! – Yến cười.

Cả nhà cười theo.

-         Thế mới là chị Yến của em chứ! – Loan đắc chí.
-         Thế còn tổng cóc thì sao?
-        

Không khí trong phòng rộn lên vui vẻ.
Lúc này Thạch mới định thần lại được để nhận ra câu nói của Loan: ...Trời ơi... Yến đẹp quá thật!.. Đẹp một cách cao quý đoan trang… Chắc cũng ngoài 50 rồi mà sao còn trẻ thế... Không nắm được lý lịch dòng họ này thì không sao đoán được...  Chẳng lẽ cái cô gái thạc sỹ dược sỹ này năm nào dám nhảy lên đứng trên nóc xe ô-tô trấn áp đám đông quậy phá là nàng tiên giáng thế này hay sao?.  Trời đất!.. Dưới chân người con gái hiên ngang này ngày đó lâu nhâu bọn nghiện hút, trong tay lăm lăm dao gậy đòi xan bằng khu xí nghiệp dược liên doanh Vĩnh Phúc...[15] ông Thạch miên man trong đầu, tai có lúc nghe câu được câu chăng…

-         Ngồi đây chỉ còn mỗi chú Thạch chưa biết thôi ạ, câu chuyện cái lọng rách việc cho cháu lắm đấy ạ. Cháu xin nói tiếp. – Yến nhìn về phía Thạch, đĩnh đạc trình bầy. - ...Đã có vài đại gia mời chào các công ty của chúng cháu “liên doanh”, gạ gẫm chung ăn chung chi... Toàn là những thương hiệu quốc doanh Tổng nọ Tổng kia cỡ bự. Có cà lời đe dọa mua đứt ngân hàng PH nữa, khá trắng trợn...
-         Chị Yến phải kể cho chú Thạch nghe chuyện lão già đòi chơi trống bỏi nữa chứ! – Mai con gái ông Nghĩa xen vào.
-         Trước sau chú Thạch cũng sẽ biết em ạ. Cháu xin nói tiếp: Chúng cháu sẽ đối chọi lại được. Chúng cháu tin như thế. Song trong cái cơ chế còn bao nhiêu chuyện tù mù thế này, lại không chịu anh anh em em, không chịu chung ăn chung chi, chung nọ chung kia với bọn họ, khó khăn cho chúng cháu khôn lường ạ.

Tai ông Thạch có lúc ù lên… Chúng nó mất dậy quá!..

-         Chú Thạch ơi, đủ các loài chú ạ. Từ vua đất, đến vua lò vôi, vua phân bón.., rồi giáo sư tiến sỹ cho đến tổng cóc… Đủ các mặt anh tài không thiếu một ai chú ạ!.. – Mai thêm vào.

Cả nhà cười ran, trừ Thạch.

-         Vâng, có chuyện ấy thật ạ. – Yến nói tiếp, mặt đỏ lên một chút: - ...Vì thế nhóm chúng cháu cần có thêm trí tuệ và nghị lực. Chúng cháu đã bàn nhiều lần với bác Lê Hải và bố Chính rồi ạ. Không có quyền lực trong tay thì phải chăm lo cho thế mạnh của cái đầu vậy. Phải có trí tuệ ạ! Đấy là chủ đề của câu chuyện hôm nay. Thay mặt nhóm PH, cháu xin ý kiến cả nhà ạ. – Yến ngồi xuống.
-         Thảo nào hai ông anh tôi cứ bắt tôi phải lôi bằng được cái anh chàng Thạch này về đây. Thương trường là chiến trường ở ta có một nghĩa đen lạ thường!.. Nó hoang dã hơn tôi tưởng tượng ra được… – ông Nghĩa bây giờ mới vỡ lẽ.
-         Không phải chỉ là hoang dã, mà còn là dã man! – tướng Lê Hải sửa lại ông Nghĩa.
-         Các anh các cháu bàn đi. Nếu như thế này chị em chúng tôi sẵn sàng đãi cả nhà thêm bữa cỗ nữa! – ý kiến bà Nguyệt vợ ông Nghĩa.

Ông Lê Hải đứng dậy:

-         Xin nói thêm thế này ạ, anh Chính và tôi mời anh Thạch tham gia vào nhóm PH, thậm chí anh phải đóng vai quân chủ lực, vì chúng tôi ở vào cái tuổi ốc không tha nổi mình ốc nữa rồi, anh Nghĩa là thương binh, nên được miễn. Vậy khi nào phải xung trận chúng tôi sẽ cử anh Thạch. Chúng tôi nghĩ mãi rồi, phải là người có bản lĩnh như anh Thạch cùng tham chiến...

Thạch thấy hoảng trong lòng, vì vẫn chưa hiểu Ất Giáp gì, nhưng vẫn ngồi im.

-         Sao hai anh đánh giá tôi thấp thế ạ. Có phải tại cái chân gỗ của tôi không? – ông Nghĩa hỏi.
-         Chú Nghĩa yên tâm. Chú được cử làm quân dự bị đấy. Chỉ có anh Lê Hải và tôi là phải rút về hậu tuyến làm lính gác “gôn” thôi Nghĩa ạ.
-         Chú Thạch nhận lời mời của bác Lê Hải và bố Chính cháu chứ ạ? – Yến hỏi ngay.

Cả gian phòng im lặng, chờ đợi.

-         ...
-         Tôi thực sự như bị bỏ bom... Tôi không hiểu gì ạ… – Thạch nhát gừng: - Tôi có biết tý teo gì về kinh doanh đâu ạ.
-         ...
-         ...
-         Thế này, anh Thạch ạ, - ông Chính nói: - ...Chúng tôi cũng không hiểu biết gì về kinh doanh, nhất là ngày nay... Cái chính là cần người có bản lĩnh giúp các cháu can đảm, chín chắn, cân nhắc trước sau, nhất là để không bao giờ sơ xuất… Những điều này trên chiến trường kinh tế của nước ta hôm nay không bao giờ đủ anh Thạch ạ. Ngoài ra nếu góp được ý kiến gì về phán đoán việc này việc nọ… Khi cần phụ được một tay nữa, thì càng hay.
-         Nhưng cụ thể xin anh Chính cho biết tôi phải làm gì ạ?
-         Mời anh về sống hẳn với chúng tôi và dành hết thời giờ cho công việc của nhóm PH. – ông Chính trả lời.
-         Thôi chết! – Thạch thốt lên  một tiếng rồi im hẳn.
-         ...
-         ...

Thạch ngọ nguậy mãi như ngồi trên lửa, không biết nên thưa thốt thế nào. Mọi người giục giã, nài nỉ. Cuối cùng mới nói được:

-         Thật quả tôi không biết mô tê gì chuyện kinh doanh. Xin cả nhà cho tôi thời gian… Hay… tốt hơn là… miễn cho tôi ạ... – Thạch rền rĩ.
-         Xin tùy anh. – ông Lê Hải không muốn dồn ép: - Nhưng tôi chắc quyết định này của anh sẽ không khó hơn năm nào anh quyết định kết luận anh Nghĩa vô tội đâu.

Cả nhà đều cười.

-         Anh Thạch không hỏi gì thêm? – ông Nghĩa thăm dò.
-         Có chứ ạ. – Thạch nhìn thẳng vào Yến: - ...Xin cô Yến cho tôi biết cơ ngơi như thế nào mà định lên tập đoàn ạ?

Yến đứng dậy:

-         Thưa chú, cơ ngơi nhóm PH còn nhỏ thôi ạ. Chúng cháu có tám đơn vị ạ. Dù là không công bố, ngay từ bây giờ nhóm PH đã hoạt động theo phương thức tập đoàn rồi. Nói đơn giản là thế này ạ: các đơn vị đều độc lập, tự chịu trách nhiệm, tự hạch toán, có vùng trời riêng, chiến lược riêng, có thể liên doanh liên kết trong và ngoài tập đoàn ạ, song tất cả cùng một nguyện vọng là hợp tác và tăng vây cánh cho nhau, để cùng nhau mạnh lên. Nhiệm vụ chính của tập đoàn là hỗ trợ nhau, để các đơn vị riêng của mình thường xuyên ra đời sản phẩm mới sớm nhất, chiếm thị trường nhanh nhất... Ngân hàng PH vừa là nơi hội tụ mọi ý tưởng, vừa là công cụ đắc dụng chung của cả nhóm ạ.
-         Tôi chưa rõ lắm, nhóm PH có ngân hàng riêng, thế mà lại gọi ngân hàng thương mại của các tập đoàn quốc doanh là các vòi bạch tuộc?
-         Hai thứ khác nhau một trời một vực ạ. – Yến giải thích. - Cái gốc là ở chỗ sở hữu quốc doanh câu kết với quyền lực chính trị sẽ tạo ra đặc quyền. Như thế luật pháp và thị trường sẽ đều vô nghĩa hết. Mới cách đây vài hôm, khi bị Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng tài chính thừa nhận Tổng công ty đầu tư vốn Nhà nước đã rót vào thị trường chứng khoán hàng chục nghìn tỷ đồng, đấy là một ví dụ ạ. Về danh nghĩa đấy là sự hỗ trợ dành cho thị trường chứng khoán, song dư luận cho rằng thực chất là cứu các cổ phiếu quốc doanh thân hữu đang tụt dốc. Ngân hàng PH là vốn của các cổ đông góp lại, không thể đem tiền của cổ đông đổ đi đâu thì đổ ạ…
-         Trong kinh tế người ta gọi là vỡ bong bóng thị trường chứng khoán chú ạ. – Mai nói thêm vào.
-         Vốn này là của cải của quốc gia, chẳng lẽ cái Tổng công ty vốn này (SCIC) muốn làm gì cũng được ạ? – Thạch hỏi.
-         Vâng, đúng thế ạ, Quốc hội yêu cầu nói rõ cứu những cổ phiếu nào, hết bao nhiêu tiền.., thì Bộ trưởng xin được miễn giải trình ạ, nói đấy là những bí mật kinh doanh tế nhị...
-         Cô Yến vui lòng nói rõ xem đổ vỡ thế nào mà phải cứu?
-         Chỉ trong vòng một năm bắt đầu ra đời và hoạt động, giá trị các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tụt mất khoảng sáu bẩy chục phần trăm ạ. Sau cơn sốt cao độ là cái vực thẳm ngay tức khắc. Đấy là ví dụ rõ nhất ạ. Người dân đã chất vấn công khai trên báo chí: Các đại gia tập đoàn quốc doanh thông qua các ngân hàng riêng của mình đã nướng mất của Nhà nước bao nhiêu nghìn tỷ đồng vào chứng khoán, được SCIC dùng vốn Nhà nước cứu lại bao nhiêu nghìn tỷ, …và các đại gia bỏ túi cá nhân bao nhiêu nghìn tỷ!?..
-         Có làm rõ được không? – Thạch nôn nóng.
-         Vô phương chú ạ. Đến nay chưa có câu trả lời nào ạ. Chỉ dám chắc được một điều là phần thắng thì các đại gia trong các tập đoàn nhà nước bỏ túi xong xuôi từ khi phát hành cổ phiếu rồi, đến khi xảy ra vỡ bong bóng thì nhà nước gánh chịu giúp. Còn Ngân hàng PH là tiền riêng của nhóm PH và các cổ đông, ai vay phải chịu lãi, chi một đồng cũng phải theo nguyên tắc của điều lệ ngân hàng PH ạ, Hội đồng quản trị giám sát mọi hoạt động kinh doanh… Rồi còn phải hạch toán, kiểm toán đúng luật với sở thuế nữa ạ... Tất cả phải công khai trên bảng cán cân thanh toán của ngân hàng. Không thể nào làm khác được ạ. Nếu xảy ra thua lỗ, thì mất chính đồng vốn của mình, không thể sàng-sê đánh lận con đen quỹ nọ sang quỹ kia như trong quốc doanh được đâu ạ.
-         Xin cảm ơn. Nói thế thì tôi hiểu. Thì ra mấu chốt vẫn là câu chuyện sở hữu. – Thạch vỡ lẽ. - ...Cơ ngơi nhóm PH gồm những gì ạ?
-         Dạ, nhóm này gồm Ngân hàng cổ phần PH. Đấy là cột trụ của tập đoàn ạ. Nhóm có ba xí nghiệp sản xuất, hai công ty liên doanh xuất nhập khẩu, một công ty kinh doanh bất động sản, một công ty tư vấn dịch vụ luật, cả thẩy là tám đơn vị ạ.
-         Thành quả hai mươi năm của các cháu hai dòng họ nhà tôi đấy anh Thạch ạ. Ông Tám Việt gọi đấy là thành quả của con đường đi lên từ đồ đồng nát! – tướng Lê Hải bổ sung[16].
-         Vâng, đúng thế ạ. – Yến nói tiếp. Khởi thủy, em Vũ bên bác Lê Hải đã đi lên từ đồ đồng nát với đúng nghĩa đen của từ này ạ! Nếu thuận lợi, có lẽ trong vòng vài năm nữa nhóm PH sẽ có thêm một trường đại học ạ. Lẽ ra nhóm PH phải quảng cáo rầm rộ để phô trương thanh thế và để bành trướng tiếp, nhưng tình hình này còn phải chờ thêm thời gian nữa ạ. Đến ngay cái việc in sách giới thiệu (brochure)[17] để làm marketing, nhóm PH nghĩ mãi rồi cuối cùng vẫn phải rút lại ạ, vẫn chưa đúng lúc ạ. 
-         Chê cái lọng thì nó phiền toái như thế đấy chú Thạch ạ.  – Loan giải thích thêm.
-         Tôi cứ tưởng năng động, nhậy bén như PH thì cần gì phải ô với lọng ạ? – Thạch nói khích để tìm hiểu thêm.
-         Cái khó cho PH là muốn xuôn xẻ vui vẻ thì phải làm ăn theo đường dây chú Thạch ạ, và phải chịu làm luật với các đại ca hay đại gia. Nhưng ba phần tư doanh số các công ty sản xuất và kinh doanh trong nhóm PH là làm ăn với các đối tác nước ngoài có thương hiệu lớn. Họ chỉ chấp nhận làm ăn theo đúng luật. Lại còn trách nhiệm với cổ đông… Nên nhóm PH không thể có chuyện đi theo các đường dây hay ô với lọng được ạ.
-         Cũng tại chị Yến cháu kiêu hãnh quá và cứng nhắc quá đấy chú Thạch ạ. Người ta bảo đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy cơ mà. – Mai trêu Yến.
-         … - Yến chỉ cười nhìn Mai.
-         Nói thế, tôi có thể hình dung được. Xin cô Yến cho tôi biết ý tưởng chung của PH là gì? – Thạch hỏi.

Yến còn đang cân nhắc xem nên nói như thế nào, Thạch đã giục:

-         Có cần tôi phải cam kết giữ bí mật không ạ?
-         Dạ không, PH thật ra không có ý tưởng nào, nên không có gì phải giữ bí mật ạ.
-         Cô Yến nói gì? Không có ý tưởng? – Thạch nghĩ tai mình nghe nhầm.
-         Đúng thế đấy ạ, ý chí thì không cần phải giữ bí mật.  Còn ý tưởng thì chật hẹp lắm, cứng nhắc lắm, không hợp với tính hiếu động của PH ạ. – Yến đáp lại.
-         Nghĩa là gặp gì làm nấy hay sao ạ? – Thạch hỏi.
-         Dạ không. Thật ra là hoàn toàn ngược lại ạ. Tập đoàn PH chỉ lấy hai chữ “thuyết phục” làm phương châm hành động thôi ạ. Nghĩa là tất cả phải xoay quanh mọi chiều của hai chữ “thuyết phục”. Quyết định làm gì, cũng phải có tính thuyết phục. Nếu thắng, cũng phải thắng một cách thuyết phục. Nếu thua, cũng chỉ chịu thua một cách thuyết phục. Hợp tác càng phải dựa trên cơ sở thuyết phục, quan hệ thuyết phục... Hai chữ thuyết phục này đơn giản như thế nhưng rất khó đấy ạ.

Mọi người chung quanh không lấy gì làm ngạc nhiên, vì đây là câu chuyện hàng ngày, đã được Yến cùng bàn bạc từ lâu rồi, và cũng đã thấy tập đoàn của Yến hoạt động như thế nào.

Nhưng Thạch:

-         Xin cho tôi hỏi PH lấy ở đâu ra phương châm kỳ lạ này ạ? Xưa nay tôi vẫn  nghĩ kinh doanh phải lấy chữ tín làm đầu... 
-         Dạ lúc đầu PH cũng đề ra các ý tưởng và triết lý kinh doanh này nọ đấy ạ... Nhưng chính sách nhà nước cứ xoay như chong chóng, khiến cho thị trường nước ta vốn kém phát triển càng thêm hoang sơ, nhiều lúc như tranh cướp nhau quyết liệt, nhất là một khi có bàn tay của quyền lực dính vào... Nên tụi cháu đành lấy trí tuệ chỉ đạo hành động vậy. Cập nhật hàng ngày, chứ không thể đóng đinh hành động vào một ý tưởng hay triết lý nào được.
-         Vâng, bây giờ tôi hiểu. Nhưng xin hỏi từ đâu ra cái ý tưởng tập đoàn PH ạ?
-         Thưa chú, chuyện lâu lắm rồi ạ, có tới khoảng hai chục năm nay... Thoạt đầu là cháu giúp nhóm Vũ thoát khỏi phá sản do xí nghiệp chế tạo cơ khí của Vũ bị Thành phố bốc đi, với lý do quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi[18]. Thực chất là bị một nhóm có thế lực của Thành phố cướp đất. Qua bài học này chúng cháu quyết định thành lập nhóm PH của hai họ Phạm – Huỳnh, sống cùng sống, chết cùng chết. Dần dà liên kết, hợp tác với nhau mới hình thành được cơ ngơi như cháu vừa trình bầy. Nhóm có năm người, cháu là chị lớn, nên được giao giữ chức “tiểu đội trưởng”, Vũ “tiểu đội phó”, với quy định người này “hy sinh” thì người khác lên thay. ba anh chị em Vũ còn lại là nhóm viên, nay “hy sinh” mất một là Quân. Chắc chú biết Quân là chồng của Bảo Vân.
-         Vâng, tôi biết.
-         Nên nhóm viên bây giờ chỉ còn lại hai. Đấy là Bích Ngọc – vợ Vũ, và Bảo Vân – vợ của em Quân.
-         Coi như hôm nay tôi được bài học vỡ lòng. Xin cảm ơn cô Yến. – Thạch lại ngồi im.

Cả nhà lào xào một lúc.

-         Ý kiến anh Thạch thế nào ạ? – ông Chính hỏi.
-         ...  – Thạch định nói gì đó nhưng lại thôi.
-         Cho tôi nói thêm vài câu để anh Thạch hiểu mong đợi của chúng tôi. - ông Lê Hải có vẻ nóng ruột: - ...Hoặc là phải o bế, bán mình cho quyền lực – đấy là một cách. Hoặc là phải tự khẳng định mình. Các cháu hai họ PH nhà tôi chọn con đường thứ hai.
-         Tính ngang bướng của họ Phạm và họ Huỳnh cộng lại với nhau thành ngoan cố, có phải không ạ? –Thạch hỏi. Mọi người đều cười.
-         Thực ra phần nào thôi ạ. - Yến trả lời: - ...Nhóm PH đã qua cái thời kỳ đam mê làm giàu rồi chú ạ. PH thành công là do PH luôn luôn đi trước một đoạn đường, có thể nói có lúc quyền lực đuổi không kịp… Đúng là ý tưởng và trí tuệ của PH hái ra tiền thật ạ. Cuộc sống của các thành viên nhóm PH bây giờ không phụ thuộc vào việc kiếm tiền nữa rồi ạ. Nhờ vậy tụi cháu bây giờ đứng thẳng hơn được một chút. Kiếm tiền đối với tụi cháu trở thành một thói quen, một bản năng, hay coi đấy là cái nghiệp cũng được.
-         Tôi nghe người ta nói thời buổi bây giờ cạnh tranh vỡ mật, cô lại nói là hái ra tiền?
-         Hoàn toàn đúng thế ạ. Từ lâu chúng cháu đã thoát khỏi tâm lý bầy đàn, cố bắt cái đầu làm việc thật nhiều. Đấy là lợi thế của chúng cháu trong khi cái hoang sơ còn phổ biến ở thị trường nước ta. Mà như thế thì có ý tưởng sẽ nhìn đâu cũng thấy tiền.
-         Cô giáo giảng bài phải nêu ví dụ chứ! – Thạch bắt đầu cười.
-         Vâng. Chú có thể hình dung thế này: xí nghiệp dược Mê Linh của PH là dân doanh một trăm phần trăm ạ. Nhưng Mê Linh cạnh tranh ngang ngửa với xí nghiệp dược cổ phần hóa Traphacom lớn hơn nhiều về mọi mặt đấy ạ. Biên chế của Mê Linh chỉ bằng hai phần ba Traphacom. Quan trọng hơn là mỗi năm sản phẩm mới của Mê Linh nhiều gần gấp đôi Traphacom, nhất là từ khi Mê Linh mua được nhiều bản quyền mới và đưa công nghệ mới vào chế biến thảo dược trong nước.
-         Sáng kiến của ai vậy?
-         Dạ đấy không phải là sáng kiến ạ, mà là kinh nghiệm tích cóp được từ liên doanh với Thụy Điển xí nghiệp dược Vĩnh Phúc trong hàng chục năm trước đó ạ. Thông tin về khoa học, công nghệ và thị trường thế giới tụi cháu cập nhật hàng ngày. Kinh tế nhà nước học không vào điều này từ liên doanh với nước ngoài, nhưng PH thì học được, chú ạ.
-         Nghĩa là làm giầu bằng chất xám? Chất xám học được, chất xám đi mua, chất xám đi thuê, tất cả các loại..?
-         …Vâng! Nghe kiêu căng một chút, nhưng nói như thế cũng được ạ. Ngân hàng PH của cháu thuộc loại trẻ nhất trong số ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh, song hiện đang nằm trong tốp mười (top ten) của ta đấy chú ạ. Cháu xin kể một ví dụ khác: công ty tư vấn luật PH Consul và công ty bất động sản PH Estate cộng lại biên chế chưa được 50 người. Nhưng các loại thuế nộp Nhà nước của hai công ty này lớn hơn tổng số các loại thuế của cả 5 xí nghiệp còn lại của PH với gần hai nghìn lao động!
-         Chị Yến phải nói thêm: Toàn bộ các loại thuế và phí của cả nhóm PH hàng năm nộp cho ngân sách nhà nước tương đương với thuế thu được của cả tỉnh Hà Tây, mà nhà nước không phải bỏ một xu vốn. Nói thế chú Thạch mới hình dung được. – Loan cổ vũ chị dâu mình.
-         … - Thạch lắc đầu khâm phục, thật là chuyện không ngờ…
-         Vâng, quả là như vậy. Chú thử nghĩ xem, việc làm và cuộc sống của mấy nghìn con người, nghĩa vụ đóng thuế… Vì thế trách nhiệm của nhóm PH lớn lắm chú ạ. Bây giờ PH đã có mặt ở Mỹ, EU và Nga, riêng Nhật và Trung Quốc PH chưa vào được bao nhiêu. Có thể vài năm nữa sẽ khác ạ…
-         Tôi thấy tivi hồi này ca ngợi Soros kiếm tiền như là làm ảo thuật, bốc các đại gia Mỹ khác lên mây xanh… Xin hỏi PH muốn làm Bill Gates, Warren Buffet? Hay Soros của ta?
-         Dạ, PH chưa dám như thế đâu ạ. Có bứng các ông này đem về trồng ở Việt Nam thì họ cũng thui chột thôi.
-         Tôi cứ nghĩ là người tài thì quẳng vào đâu mà không sống. – Thạch dò ướm.
-         Nước ta có lẽ còn rất lâu, hoặc không bao giờ có thể có một văn hóa và một thể chế chính trị và luật pháp cho phép các tài năng như thế nảy nở  và hoạt động chú ạ. Phải nói thực là PH thèm muốn ước mơ và môi trường tự do ấy của họ. Cháu phải dùng chữ thèm mới nói được hết ý ạ… Thèm lắm. - Yến cân nhắc thận trọng.
-         Kể cũng lạ, lần đầu tiên tôi được nghe bà chủ nhà băng Nguyễn Thị Bạch Yến nói về tiền với thái độ dửng dưng, nhưng lại thèm muốn những ước mơ và môi trường tự do của Gates, Soros…

Lời bình của Thạch làm cho không khí cả gian phòng trở nên nhẹ nhõm hẳn.

-         - …Nhóm PH chúng cháu trở nên khác trước từ lâu rồi... – Yến giải thích thêm. – Chúng cháu đã qua giai đoạn mê tiền, bắt đầu có ý niệm hay có tố chất để hiểu thế nào là tiền. Nghĩa là PH bắt đầu giai đoạn làm chủ đồng tiền. Tiền có thể thay đổi và làm đẹp cuộc sống mọi người nhiều lắm, nếu nó nằm trong tay chúng cháu.., nếu quật nó lên làm giầu theo cách riêng của chúng cháu… Nhóm PH mơ ước như thế.
-         Nghĩa là các thành viên nhóm PH không đơn thuần coi tiền là phương tiện sống  nữa? Không có cái chuyện mua cái xe Rolls-Royce để ngắm chơi như cái bà gì đó được TV nói tới, có phải không ạ? - Thạch muốn đi tới cùng.

Mọi người trong nhà tuy đã rõ cách suy nghĩ của nhóm PH, nhưng rất thích thú về cuộc đối thoại này.

-         Cái bà “Rolls-Royce” của chú tự cho mình như thế là oách nhất nước. Cần xe đi đâu chú có thể nói bà ấy cho đi nhờ. Chắc chắn bà ấy OK chú ngay đấy ạ! – Yến đáp lại.
-         Xe có rồi, cái bà Rolls-Royce đang cần người đi nhờ lắm đấy, chú Thạch nhanh chân lên ạ. – Mai chen thêm vào

Câu châm chọc của hai chị em Yến làm cả phòng khách ồn lên. Thạch hơi luống cuống:

-         Ấy chết, sao lại đem bà ấy buộc vào tôi!
-         Chú Thạch dám chê bà Rolls-Royce ạ? Sản phẩm thượng đẳng của văn hóa kinh doanh Việt Nam đấy ạ. – Yến không buông tha.
-         Tôi đâu có dám chê… Bà Rolls-royce tôi chỉ thấy trên TV, chưa giáp mặt lần nào. Nhưng tôi biết cái xe đó là gì, đã từng được nó chở đi… - Thạch nhớ lại những năm công tác ở nước ngoài khi tiếp xúc với giới thượng lưu… - …Nhưng cô Yến đang chế riễu cái sản phẩm văn hóa thượng đẳng này có phải không?
-         Chú hiểu thế cũng được ạ. Cháu không biết mình có thiếu khiêm tốn không… Nói theo các cụ ngày xưa, nhóm PH bây giờ hoàn toàn có thể ngồi mát ăn bát vàng vài đời chú ạ. Song bọn cháu lại tìm thấy sự lôi cuốn khác. Nhóm PH muốn sống, chứ không muốn tồn tại. Nói cho rõ, PH đang có hai vấn đề lớn chú ạ.
-         Xin nói rõ là gì vậy.
-         Dạ thưa, toàn bộ hoạt động của PH bây giờ phải tìm cách chuyển sang phương thức khác, vì nước ta đã tham gia cạnh tranh toàn diện với cả thế giới rồi. Duy trì mãi khai thác lao động cơ bắp và công nghệ thấp PH sẽ thua.
-         Cái gì cản trở PH làm việc này ạ?
-         Cơ chế và chính sách hiện nay không theo kịp ạ, tùy tiện thay đổi xoành xoạch, thậm chí quá lạc hậu. Vì thế khả năng tiên liệu triển vọng mọi mặt ra sao trong làm ăn rất thấp ạ. Làm ăn cạnh tranh khốc liệt là thế mà chúng cháu lại không lúc nào dám nhấn hết ga… Thị trường, công sở.., chỗ nào cũng đầy các anh hùng “núp” sẵn sàng ăn thịt mình! Chính thực tế này đang cầm chân bọn cháu. Đấy là vấn đề thứ nhất ạ.
-         Vấn đề thứ hai? 
-         Vâng. Nếu thiếu những cơ chế và chính sách cần thiết, nhóm PH có thể chủ động dẹp tiệm ạ, chứ quyết không chịu thua ai. Vì nhóm PH bây giờ thực sự không có nhu cầu kiếm tiền vặt nữa ạ, song cũng vì lòng tự trọng hay là tinh thần tự ái dân tộc của PH nữa. Các thành viên nhóm PH muốn tung hoành phỉ chí, muốn chứng tỏ doanh nhân Việt Nam không xoàng, nước Việt Nam của chúng ta không xoàng!..  – Yến càng nói càng sôi nổi.
-         Cô Yến nói rõ hơn được không ạ?
-         Vâng. Chú xem, ở các nước phát triển, doanh nhân có vị thế đối với nhà nước hoàn toàn khác ta ạ. Tại sao ở nước ta lại không thể như vậy?.. Vai trò của họ trong xã hội cũng thế. Về nhiều mặt họ là động lực rất quan trọng nếu không nói là quyết định thúc đẩy sự phát triển đất nước họ. Họ làm nên tên tuổi đất nước họ. Nói đến Sony là người ta nghĩ ngay đến Nhật. Nói đến Bill Gates là nói đến nước Mỹ…  Những quốc gia này sẽ là gì nếu thiếu những tên tuổi như vậy ạ?
-         Cô Yến nói sao? Ta có Điện Biên Phủ, hết dưới đất lại trên không! Ta có Tết Mậu Thân, có 30 Tháng Tư… - Thạch cố tình nhấn mạnh câu nói của mình.
-         Chú nhầm rồi ạ. – Loan lộp chộp chen ngang vào. - … Trong kinh tế người ta không nói sử chính trị ạ. Người ta đang nói Việt Nam có các vụ CPI Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ Securency tiền pôlyme…
-         Chú Thạch trêu đấy Loan ạ., đừng mắc bẫy!.. -  Yến can em mình.  – Chú Thạch ạ, nhóm PH muốn cùng với giới doanh nhân nước mình làm nên tên tuổi cho nước mình. Tại sao lại không ạ? Nhiều người trên  thế giới đã nhắc nhở chúng ta rồi: Việt Nam là quốc gia! Việt Nam không phải là chiến tranh!.. Nhóm PH có quyền yêu nước theo cách của mình. Đấy là quyền, vâng là quyền của công dân của các thành viên nhóm PH. Quyền công dân! Đất nước này cũng là của PH, mong chú hiểu cho… - mặt Yến bừng bừng.
-         À... Hóa ra là các thành viên nhóm PH muốn trốn cái việc cứ mở mồm ra một câu là phải nói “Ơn Đảng, ơn Chính phủ...” một câu, mở mồm ra hai câu là phải nói “Ơn Đảng, ơn Chính phủ...” hai câu… Xin nói thật đi, đòi quyền là vì thế, có phải không ạ?

Cả nhà cười to.

-         Vâng, trúng tim đen rồi ạ! PH hãnh diện vì bị quy chụp như thế chú Thạch ạ. – Yến cười đáp lại.

Đám trẻ vỗ tay, thế là cả nhà vỗ tay theo. Có lẽ bà Chính là người vui nhất, khóe mắt bà nói lên điều này. Bà hết nhìn Yến rồi lại nhìn Thạch, ước ao ôm cả hai người vào lòng mình… Bà đứng dậy đi tới chỗ Yến, ôm lấy con dâu mình: “Mẹ tự hào về con!..”

-         Con có nói gì sai không mẹ?
-         Phải, Việt Nam là một quốc gia! Mẹ tán thành. Việt Nam không còn là hay chỉ là chiến tranh nữa!
-         Cảm ơn mẹ… - Yến áp chặt má mình vào má mẹ.

Chờ cho mọi người im lặng, Thạch nói to trong nụ cười rạng rỡ:

-         Xin thưa ạ.., đến đây tôi xin thừa nhận thua cô Yến 1-0!

Tiếng vỗ tay lại ran lên. Loan rất tinh ý:

-         Cả nhà thấy không, đến bây giờ mới thấy chú Thạch cười ạ!

Tướng về hưu Lê Hải gạn hỏi:

-         Thế là anh Thạch nhận lời rồi nhé?  
-         Ấy chết, không ạ. Tôi mới chỉ nhận thua 1-0 thôi ạ. – Thạch cứ như là  đỉa phải vôi.
-         Nhận thua có nghĩa là đã bị bắt làm tù binh rồi, không phải bàn nữa!.. – bà Chính dứt khoát. Bà vừa nói vừa nắm cả hai tay giơ lên trời như thể chính mình là người chiến thắng.
-         Xin cả nhà cho tôi thời gian suy nghĩ ạ...
-         Sao lại thế?
-         Còn chờ gì nữa?..
-        

Ông Nghĩa đứng dậy:

-         Xin thưa với cả nhà, anh Thạch nhận lời sẽ suy nghĩ là quý lắm rồi. Thực ra ngày đêm tôi lo cho các cháu tôi không kém anh Lê Hải và anh Chính. Đọc một bài báo hay một mẩu tin nào đó trên báo giấy hay trên mạng là tôi nghĩ ngay đến công việc các cháu đang làm... Thế nhưng tôi chưa đi tới được cái sáng kiến của anh Lê Hải và anh Chính hôm nay. Trước hết xin có lời bái phục hai ông già tinh quái này! Bắt cóc Thạch về đây là đúng sách!..

Tướng Lê Hải và ông Chính cười cười và rất vui về nhận xét của ông Nghĩa.

-         Tôi xin nói thêm đôi điều để anh Thạch hiểu rõ tâm trạng chúng tôi... – ông Nghĩa nói tiếp. - ... Má Sáu Nhơn phía anh Lê Hải là cơ sở bí mật của cách mạng. Má đã đem tính mạng của cả gia đình mình và các gia đình con cháu mình ra gìn giữ Tuyên Ngôn Độc Lập giấu trong nhà mình từ thời khởi đầu Nam Bộ Kháng chiến[19] cho đến Ba mươi Tháng Tư. Xin anh nhớ cho điều này! Thế nhưng chính tay má Sáu Nhơn đã xé bản Tuyên Ngôn Độc Lập ấy anh Thạch ạ! Đó là lúc má Sáu buộc phải giục con cháu mình đi di tản... Thật không tưởng tượng nổi anh Thạch ạ…
-         Thôi chết!.. Có chuyện này sao hả anh Nghĩa? Tôi không được biết chi tiết này. Tôi cứ ngỡ là… – mắt Thạch giương to.
-         Vâng. Má Sáu Nhơn xé Tuyên Ngôn vì thấy mọi điều mình gửi gắm đã bị phản bội…Thế rồi chính tay má Sáu Nhơn lại trao cho Vũ là cháu đích tôn của mình nhiệm vụ phải tiếp tục gìn giữ bản Tuyên Ngôn bị xé này. Má dặn đi dặn lại: “Cha truyền con nối phải cùng nhau giữ lấy, không được đưa vào viện bảo tàng, vì Đảng này còn nợ dân tộc này những điều đã cam kết ở trỏng”[20]...
-         Ôi, tôi không ngờ Má Sáu quyết liệt đến vậy! – Thạch kêu lên.
-         Anh Thạch còn chưa biết mấy cuộc đối thoại giữa má Sáu tôi với ông Tám Việt về kinh tế của Thành phố. Thực sự là nhãn quan của một nhà kinh doanh lớn hiếm có, anh ạ. – tướng về hưu Lê Hải nói thêm[21].
-         Còn về họ Phạm chúng tôi, - ông Nghĩa nói tiếp - ông chú ruột của chúng tôi là cụ Phạm Trung Học, trước khi về với tổ tiên cụ để lại cho chúng tôi bức thư trăng trối xé lòng… Hơn chín mươi năm làm người, hầu như không có gian truân nào có thể khiến ông chú tôi bỏ cuộc. Ông chú chúng tôi chỉ có một điều ân hận: Cái giá dân tộc ta phải trả cho độc lập thống nhất đất nước đắt quá.., thế mà vẫn chưa trọn vẹn... Ông chú tôi viết: Gửi gắm vào Đảng của các cháu, thì Đảng của các cháu bây giờ trở thành ông chủ đất nước mất rồi, chứ không phải dân… Đây là lầm lẫn lớn nhất trong đời chú!.. Vì thế cho nên đến bây giờ vẫn chưa có thống nhất dân tộc!.. Ông cụ viết như thế có chết chúng tôi không anh Thạch!?– ông Nghĩa dừng lại và ngồi xuống.
-         Trời đất ơi!.. – Thạch kêu lên.
-         Chưa hết đâu anh Thạch ạ. Anh Nghĩa nói tiếp cho anh Thạch biết đi! – bà Nguyệt giục chồng.
-         Tôi nghĩ tâm tư như thế là đủ lắm rồi, có phải không anh Thạch? – ông Nghĩa chần chừ.
-         Tôi xin được nghe đến hết. Xin anh Nghĩa nói tiếp đi. – ông Thạch nài nỉ.
-         Vâng, tôi xin kể tiếp vậy. – ông Nghĩa nể lời. - …Chính đám con cháu chúng tôi cũng chưa lường hết sự ray rứt của ông chú tôi, anh Thạch ạ. Trong thư ông cụ viết: …Cả đời người đi khắp gầm trời cuối đất, chưa bao giờ chú bị lừa cay đắng đến thế!.. Chỉ vì nặng lòng với đất nước, nên chú cố bấu víu gửi gắm vào Đảng của các cháu!.. Nhưng cuối cùng chú thất vọng!.. Chẳng lẽ các cháu không bao giờ tự hỏi gia đình họ Phạm ta đã bao nhiêu người hy sinh cho sự nghiệp của Đảng của các cháu hay sao?.. [22] Ôi có bao nhiêu cái tốt đẹp của đảng này đang tàn lụi dần… Đất nước phát triển tiếp tục như thế này sao mà tránh được thân phận là đất nước cho thuê, đất nước đi làm thuê, còn dân bây giờ thì trở thành kẻ nô dịch của ông chủ mới... Chẳng lẽ đấy là cái đích chúng ta muốn đạt tới khi tham gia cách mạng?!.. Cả họ Phạm tôi đọc đi đọc lại bức thư này hàng trăm lần, anh Thạch ạ!
-         Trời đất ơi, cụ kết luận là bị đánh lừa?!.. – Thạch thốt lên. - … Đất nước cho thuê, đất nước đi làm thuê! Dân là nô dịch của ông chủ mới?!.. Cụ Học viết rành rọt ra như thế hả anh Nghĩa? – Thạch hỏi.
-         Vâng, anh nghe rõ rồi đấy anh Thạch ạ!.. Là đảng viên, tôi tự hỏi mình: Đảng ta đang vô cảm đến mức nào đối với tâm trạng thất vọng này?!..

          Một bầu không khí nghiêm trang, căng thẳng ập chiếm cả gian phòng.

Thạch thừ người ra, môi mím chặt. Những gì lâu nay Thạch cố tránh né, cố lờ đi, cố đui, cố điếc bao năm nay.., bây giờ đang bị xé toạc ra… từ những lời nói ở đây hôm nay.., từ miệng một người lính già… anh bộ đội cụ Hồ Phạm Trung nghĩa năm nào[23]… Thạch không ngờ rẳng vết thương tinh thần mình cố né tránh còn nằm sâu hơn rất nhiều so với hiểu biết của mình…

-         Câu chuyện là thế đấy anh Thạch ạ. – ông Nghĩa ngồi xuống.
-         Anh Nghĩa ạ. Xin thưa.., tôi hiểu được…  Anh đã chuyển tải cho tôi những điều bao lâu nay tôi cố đui, cố điếc để cố tình không nghe không biết gì hết!.. Nhưng hôm nay tôi hiểu rằng mình vẫn còn quá nông cạn, quá hời hợt trước nỗi đau chung này… - Thạch thưa lại.
-         Ôi, nói được như thế, là anh Thạch hiểu tâm huyết má Sáu Nhơn và ông chú Học tôi... – ông Nghĩa chống tay lên bàn đứng phăng dậy, không để bạn nói hết câu. - …Anh Thạch ạ, tôi không sao quên được mỗi lần về nước ông chú tôi lại dạy cho chúng tôi không biết bao nhiêu bài học. Nhưng chung quy cũng chỉ có bốn chữ thôi: dân tộc, dân chủ!..[24] Ông chú tôi nói cả một đời người đi khắp thế giới chỉ học được mỗi bốn chữ này thôi… Họ Huỳnh và họ Phạm chúng tôi có gánh nợ lớn lắm với các bậc thân sinh ra mình...

Ngực mọi người nặng chĩu.

Thạch đưa mắt nhìn tất cả một lượt rồi lên tiếng:

-         Xin thưa, …nếu tôi đoán đúng, có lẽ hầu hết chúng ta ngồi đây là đảng viên. Có phải không ạ?

Một giây phút tĩnh lặng.

-         Vâng, tất cả... Trừ mỗi cháu Trung Nam… - bà Nguyệt là người duy nhất đáp lại, có phần e dè, day dứt:  – …Đã can dự vào sự nghiệp thì cũng phải can đảm nhận lấy nghiệp.
-         Vâng, như thế nghĩa là không một đảng viên nào trong chúng ta ngồi đây vô can có phải không ạ!? – Thạch hỏi lại, song gần như tự hỏi chính mình.

Cả gian phòng chết lặng.

-         Không! Không một ai trong chúng ta ngồi đây vô can anh Thạch ạ, có lẽ trừ cháu Trung Nam không phải là đảng viên!.. – mãi mới có tiếng đáp lại, vẫn bà Nguyệt, gần như bà nói cho riêng mình.

Cả gian phòng chỉ còn lại tiếng máy điều hòa không khí chạy rì rì…

-         Các gia đình chúng tôi ngồi đây có tới ba thế hệ đi theo cách mạng đấy anh Thạch ạ! Bố mẹ chúng tôi, chúng tôi, các con chúng tôi… Chính vì vậy, lâu nay tôi thực lòng không biết nên gọi đó là số phận, hay nên hiểu đó là bi kịch của những người đảng viên như chúng ta đang ngồi đây!.. – vẫn bà Nguyệt thổ lộ.

Chỉ có tiếng máy điều hòa không khí chạy rì rì đáp lại.   

-         Ba thế hệ!.. – Thạch rên rỉ...
-         Để cho Đảng bây giờ như thế này, tất cả chúng ta ngồi đây đều mắc nợ!.. Bi kịch của dân tộc… – tướng Lê Hải thốt lên như vậy.
-         ...
-        
-         Con xin có ý kiến ạ, chúng ta không ai có thể chọn lịch sử cho mình được. Nhưng chúng ta buộc phải chọn cách ứng xử của mình. – Khái, con rể ông bà Nghĩa-Nguyệt, ngồi nghe suốt buổi, bây giờ mới nói câu đầu tiên.
-         Ý con là..? – ông Nghĩa hỏi.
-         Bố Nghĩa ạ, ý con là bác Lê Hải và bác Chính hôm nay đã hành động nhân danh chúng ta. Con xin cả nhà đừng ai phân vân.
-         Xin thưa, bây giờ tôi hiểu hôm nay tôi được gửi gắm điều gì... – Thạch đứng hẳn dậy. - …Xin thưa tôi rất hiểu. Tôi rất tán thành ý kiến của em… - Thạch chưa kịp nhớ tên, nên lấy tay chỉ về phía Khái.
-         Đấy là Khái, con rể tôi. – ông Nghĩa giúp Thạch.
-         Vâng, tôi tán thành ý kiến em Khái… - đến đây Thạch ngâp ngừng một lúc vì vẫn còn phân vân: - …Nhưng dù thế nào, cũng xin các anh các chị và các em cho tôi chuẩn bị thi sát hạch trước đã... Thế có được không ạ? …Tôi trượt hay là đỗ, may mắn lắm cũng chỉ là 50/50 thôi ạ. – Thạch khẩn khoản.
-         ...
-         ...

Khi ra về, ông Chính dắt Thạch quay trở lại gian thờ, bắc ghế lấy xuống từ trên tam kỷ tại bàn thờ chính giữa một hộp sơn mài mầu đen, hai tay đỡ hộp rồi đưa về phía Thạch:

-         Anh mở hộp này ra và đọc đi.

Thạch mở ra, trịnh trọng lần lượt nâng lên trong tay hai bản có chữ viết tay…

Vợ chồng tướng Lê Hải, bà Chính, vợ chồng ông Nghĩa đứng xúm quanh. Trong khi Thạch đọc, ông Chính ôm hộp sơn mài màu đen vào ngực. Tất cả đều kiên nhẫn chờ đợi. Mọi người đều thấy nét mặt của Thạch hình như thay đổi theo từng con chữ anh đang đọc.

Sau khi cẩn thận đặt trả lại hai bản viết tay vào hộp sơn mài mầu đen cho ông Chính. Thạch đứng ôm mặt hồi lâu. Mãi mới nói được một câu không đầu không đuôi:

-         Trời đất!..  Tuyên ngôn Độc lập và thư của cụ Học!..

Mọi người yên lặng để chia sẻ sự xúc động của Thạch. Một lúc sau tướng Lê Hải giải thích:

-         Bàn thờ họ Huỳnh và họ Phạm chúng tôi đều thờ hai văn bản thiêng liêng này.
-        
-        

Ra về, tất cả mọi người xuống sân tiễn ông Thạch tận cửa xe.

-         Mai anh Thạch nhất định quay lên Hà Giang ngay? – tướng Lê Hải hỏi.
-         Vâng tôi đang dở chút việc trên đó. Chiều nay tôi đi chào mấy người bà con rồi mai bắt xe đò đi luôn.
-         Anh dùng ngay xe này đi lên Hà Giang nhé? – ông Chính hỏi.
-         Cảm ơn anh. Để lần sau anh Chính ạ.  Chiều nay xe đưa tôi đi thăm loanh quanh trong Hà Nội, như thế là được rồi. Thú thực vì nhớ Hà Nội quá…
-         Vâng, xin tùy anh.  -  ông Chính tự mình mở cửa xe cho ông Thạch, cẩn thận dặn dò người lái xe của nhà: - …Anh chịu khó lựa đường nào đỡ tắc xe mà đi nhé, đừng vội.
-         Thưa ông vâng ạ. – người lái xe lễ phép đáp lại.
-         Khoan… Khoan… - ông Nghĩa cà nhót cà nhắc chạy vội đến ghìm cửa xe lại, gần như thò hẳn đầu vào khoang xe nói thêm với Thạch: - …Thật ra tất cả chúng ta đều chậm hiểu, Thạch ạ. Mấy chục năm rồi nhìn lại mới ngộ ra câu chuyện Thạch Thất của chúng ta năm nào là một trong những triệu chứng đầu tiên về cái quán tính của kẻ chiến thắng. Thế có chết không chứ? Có phải thế không hả Thạch?
-         Mấy chục năm nay lặn ngụp trong cuộc sống dân dã, tôi có cảm tưởng đất nước ta đang ở đỉnh gia tốc của cái vòng xoáy quán tính này, anh có nghĩ như thế không ạ?
-         Như thế là chúng ta cùng chung một hướng nghĩ. Sớm bàn tiếp nhé! Đi đường bình an… - ông Nghĩa vỗ vai Thạch, tạm biệt…
-         ...


Thạch ra về, mọi người còn ngồi nán lại một lúc nữa dưới sân vườn. Chiều về, nắng vàng chan hòa khắp vườn.

Câu chuyện trong vườn xoay quanh những vấn đề thời sự nóng bỏng: Nạn tiền giả tại mấy tỉnh biên giới phía Bắc, báo chí nước ngoài xôn xao việc Trung Quốc ép các công ty BP và ExxonMobil phải rút các hợp đồng dầu khí đang triển khai dở dang tại khu vực Trường Sa ký với Việt Nam, việc các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Washington trực tiếp gây sức ép với lãnh đạo tập đoàn ExxonMobil về vấn đề này, việc thả không bắt tù nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, vụ trọng án PMU 18 chỉ mới xử xong tội đánh bạc, sự kiện hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến vừa mới bị bắt giam và việc khởi tố tướng Quắc về tội đánh PMU 18, báo chí cả nước rầm rầm phản đối vỡ trời, nhưng được đúng một ngày thì chết lặng… Chuyện các chỉ số cả hai sàn chứng khoán Sài Gòn và Hà Nội rớt xuống thê thảm mà vẫn chưa tới đáy, thị trường chợ đen sôi động của đồng đôla, chuyện nếu giá dầu thế giới vượt con số 200 đôla/thùng?… 

Mọi câu chuyện đều nhức nhối, đến mức cứ ngồi lại với nhau là phải nói tới, dù là trong bối cảnh nào.

Trong câu chuyện, Loan được dịp chê chị Yến tinh tướng mà dại, không dám cá cược với Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đông Tiến cam kết sẽ không có lạm phát hai con số[25].

Rồi đây sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội tình hình sẽ như thế nào đây… - nghe nói lúc đầu đa số đại biểu Quốc hội không tán thành, nhưng rồi vẫn có cách thông  qua…

-         Cháu thấy Quốc hội nước nào cũng có chuyện lobby, nhưng cách lobby trong Quốc hội nước ta độc đáo tới mức làm cho Quốc hội trở thành một bộ máy thông qua hoàn hảo. – Phạm Trung Trung Nam  đưa ra nhận xét.
-         Công nghệ cao không chê vào đâu được có phải không cháu? – cô Mai hỏi lại cháu mình.
-        
-        

Bà Chính gọi chồng ra một chỗ nói riêng:

-         Em cứ tưởng là Thạch nhiều tuổi lắm, bây giờ gặp mặt mới biết là còn trẻ.
-         Trước đây qua cách xử sự chuyện của chú Nghĩa, anh cũng nghĩ Thạch phải là con người từng trải, già dặn, lại thêm cách xưng hô rất trân trọng của Nghĩa nữa, anh đoán già đoán non là là hai người xấp xỉ tuổi nhau. Hôm nay mới biết mặt…
-         Có lẽ Thạch phải kém Nghĩa đến chục tuổi hay hơn thế. Trăm nghe không bằng một thấy, em thừa nhận Thạch là người có bản lĩnh. Dám nghĩ là không một đảng viên nào vô can trước tình hình đất nước hiện nay… Nghĩ được như thế là rất có bản lĩnh!..
-        

Bầu trời đã lên đèn. Giữa mùi hoa thiết mộc lan và hoa nguyệt quế xa xa theo từng đợt gió chiều nhè nhẹ thoảng vào trong vườn, các lái xe lục tục xe nào khách nấy đưa mọi người về nhà. 




[1] Xem thêm Dòng đời, quyển một trang 442-461,
[2] Gia đình các anh em họ Pham gọi bố mẹ là cậu mợ.
[3] Đây là cách nhiều người dân chế diễu việc Bộ Y tế coi mắm tôm là nơi xuất sứ  của vi khuẩn gây bệnh tả được Bộ gọi là bệnh “tiêu chẩy cấp tính”. Vi-rút  H5N1 gây bệnh cúm tamiflu (SARS) đặc biệt nguy hiểm, không liên quan gì đến mắm tôm hoặc bệnh “tiêu chảy cấp tính”..
[4] Tên thường gọi cán bộ trong đội đi làm Cải cách ruộng đất hồi những năm 1955-1956.
[5] Cụm chỉ huy 3 đến 5 đội, mỗi đội làm cải cách ruộng đất một xã.
[6] Ông Hồ Viết Thắng lúc đó giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương, người giữ cương vị cao nhất trên mặt trận này.
[8] Xem thêm Dòng đời, quyển một, tập I tr. 405-408, tập II, tr. 453-460 và 583-584.
[9] Xem Dòng đời, quyển I, tập 2, tr. 496…
[10] Xem Dòng đời, quyển  một, tập II, từ trang 496.... , đại ý: Trong tổng kết chiến tranh của mình, Phạm Trung Nghĩa nêu lên có ít nhất 6 cuộc chiến tranh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta: (1)Cuộc chiến tranh chống ngoại xâm; (2)Cuộc chiến tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc; (3)Cuộc chiến tranh Mỹ chống Liên Xô trên chiến trường Việt Nam; (4)Cuộc chiến tranh Mỹ chống Trung Quốc trên chiến trường Việt Nam; (4b)Mỹ - Trung câu kết chống Liên Xô trên chiến trường Việt, và  Trung Quốc chống Việt Nam trong vấn đề Campuchia; (5)Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Liên Xô và Trung Quốc trên chiến trường Việt Nam; (6)Đặc biệt nghiêm trọng là cuốc kháng chiến chống Mỹ còn chứa trong nó một cuộc nội chiến  –  dưới dạng Việt Nam Cộng Hòa chống Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam...  Chưa kể một số nước “ăn theo” (những nước “tuyến đầu” là thành viên SEATO hồi đó như  Úc, Hàn Quốc...) cũng tham gia cuộc chiến tranh này. Với quan điểm như vậy, Phạm Trung Nghĩa cho rằng khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, cuộc sống khách quan đòi hỏi phải xử lý thấu đáo hệ quả của tất cả 6 cuộc chiến tranh này thì mới hy vọng kết thúc thực sự mọi vấn đề cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để lại, tìm ra con đường phục hồi đất nước trong một môi trường thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Tuy nhiên với cách nghĩ thừa thắng xông lên, duy ý chí đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội, với cách nhìn thế giới theo tư duy ý thức hệ, nên một mặt vấp nhiều sai lầm nghiêm trọng đối nội và đối ngoại, mặt khác mất khả năng xử lý các vấn đề hệ trọng như di tản, “nạn kiều”, hòa hợp dân tộc – với hệ quả chung là đẩy đất nước vào khủng hoảng trầm trọng trong 10 năm đầu tiên sau khi ra khỏi chiến tranh. Tình hình chỉ được cải thiện và thay đổi từ khi tiến hành đổi mới.
[11] Hiến pháp năm 1980.
[12] Trưa ngày 30-04-1975.
[13] Điểm cao 1059 – Núi Đất, hiện nay Trung Quốc chiếm, đặt tên là “Lão Sơn”.
[14] Xem Dòng đời, quyển một, tập I, trang 366...
[15] Xem Dòng đời, quyển một, tập II, từ trang 723, quyển hai, tập III, tr. 143.., 147…
[16] Tìm xem: “Dòng đời” quyển một, tập II, từ trang 694.
[17] Brochure: Sách mỏng để giới thiệu công ty và làm marketing.
[18] Xem thêm Dòng đời, quyển hai, tập III, tr. 259…
[19] Bắt đầu từ 23-09-1945.
[20] Xem thêm: Dòng đời, quyển hai, tập III trang 165,  tập IV trang 663-689, và trang 769.
[21] Xem  thêm: Dòng đời, quyển một, tập II, trang 539…
[22] Xem thêm: Dòng đời, quyển một, phần II, tr.: 796.., 800.., 806.., 810..
[23] Xem thêm: Dòng đời, quyển một, tập II, trang 455…
[24] Xem thêm Dòng đời, quyển một, tập II, trang 773-811; quyển hai, tập III, trang 153...
[25] Xem Sài Gòn Giải Phóng ngày 14-08-2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét